Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dẫu muộn song rất cần

Lạm dụng uống rượu, bia (chưa kể rượu chất lượng kém) không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người uống và gánh nặng với xã hội mà quan trọng hơn ảnh hưởng đến tương lai giống nòi. Chính vì thế, việc sớm ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất cần thiết.

Toàn cảnh Phiên họp Quốc hội

Sáng nay (9/11) thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đọc Tờ trình dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, cấu trúc dự thảo Luật gồm 7 chương với 38 điều khoản quy định khá chi tiết liên quan đến công tác quản lý nhà nước, sản xuất - kinh doanh và sử dụng các sản phẩm từ rượu, bia.

Trong dự thảo Luật, đáng chú ý theo quy định Điều 5, các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bia rượu gồm: Sử dụng cồn công nghiệp; nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia; Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; Kinh doanh rượu không có giấy phép; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; nhập lậu rượu, bia; Ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe. Đồng thời, Điều 9 quy định các trường hợp không được uống rượu, bia: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc; Các cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; Trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam không được tổ chức uuống rượu, bia tại đơn vị…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia (ảnh TTXVN)

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số uống rượu bia Top đầu của thế giới, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Điều đáng nói, xét về “độ mở” trong kinh doanh Việt Nam là nước có môi trường kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến rượu, bia, nước giải khát thoáng nhất trên thế giới. Từ đô thị đến thôn quê các nhà hàng, quán nhậu mọc lên rất nhiều. Chưa hết, chỉ cần có tiền ra ngõ là mua được rượu…

Sản xuất bia, rượu dễ dàng, lưu thông, bày bán cũng thoáng nên chỉ cần dạo quanh một vòng hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sáng, trưa, chiều tối… nhậu nhẹt liên miên. Hệ quả của việc quá “thoáng” trong kinh doanh, sử dụng các sản phẩm rượu, bia dẫn đến việc lạm dụng. Điều đáng quan ngại, việc sử dụng bia, rượu đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đây chính là những hệ lụy vô cùng lớn cho hiện tại và tương lai.

Vi tương lai giống nòi, vì sức khỏe người dân, vì kỷ cương hành chính, vì năng suất lao động đã đến lúc phải quản lý tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng bia, rượu như hiện nay (ảnh minh họa)

Về mặt xã hội, hàng năm số người chết, bị thương do tại nạn giao thông quá lớn; trong khi phần nhiều từ bia, rượu mà ra. Cạnh đó, lạm dụng rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm như ung thư. Xét về mặt kinh tế, do kiểm tra việc uống bia, rượu từ các cơ quan chức năng chưa tốt, nên người tiêu dùng có thể uống rượu, bia mọi lúc, mọi nơi điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc và năng suất lao động.

Đặc biệt, việc lạm dụng rượu bia xét về mặt tương lai, không chỉ lạm dụng bia, rượu mà việc uống nhiều rượu không rõ nguồn gốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sinh sản. Đây là vấn đề không đơn giản liên quan đến tương lai.

Tác hại của việc lạm dụng bia, rượu là thế song trong thời gian dài chúng ta vẫn chưa có luật để quản lý. Vì vậy, việc dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của bia rượu đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến là rất cần thiết.

L. Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-dau-muon-song-rat-can-82619.html