Luật pháp rất 'đắt', mỗi chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỉ đồng của doanh nghiệp

Dù đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn khá nhiều quy định, thủ tục,... trở thành gánh nặng về chi phí trong việc tuân thủ pháp luật với nhiều doanh nghiệp trong nước đang hoạt động dẫn đến kém cạnh tranh hơn doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới.

 ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu tham luận tại Hội nghị -Ảnh: Lê Hoàng

ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu tham luận tại Hội nghị -Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức tại TPHCM vào ngày 16-4 với sự tham gia của đại diện tổ chức pháp chế các ngành, Sở Tư pháp, các cơ quan nghiên cứu, luật gia, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam...

Nêu các chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã liệt kê 5 loại gánh nặng chi phí mà doanh nghiệp trong nước thường gặp phải. Đó là chi phí cho thủ tục hành chính; chi phí đầu tư; phí và lệ phí; chi phí cơ hội; và chi phí không chính thức.

5 loại gánh nặng chi phí mà doanh nghiệp trong nước thường gặp phải. Đó là chi phí cho thủ tục hành chính; chi phí đầu tư; phí và lệ phí; chi phí cơ hội; và chi phí không chính thức.

Đáng chú ý theo ông, chi phí cơ hội; và chi phí không chính thức rất khó tính toán nhưng lại là gánh nặng không hề nhỏ với nhiều doanh nghiệp và diễn ra khá phổ biến. Nói rõ hơn về hai khoản chi phí này, ông Hiếu nêu quan điểm rằng đối với hoạt động của doanh nghiệp thì cơ hội kinh doanh rất quan trọng, nhưng do thời gian thủ tục kéo dài hoặc chậm thủ tục hay không đúng hẹn của cơ quan quản lý mà dẫn đến mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Do sợ mất cơ hội kinh doanh và để sớm tham gia thị trường, doanh nghiệp đã phải chấp nhận một khoản chi phí không chính thức đưa cho những người có thẩm quyền giải quyết thủ tục có liên quan trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho biết qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ chia sẻ rằng vấn đề lo ngại nhiều nhất đối với họ khi làm ăn ở Việt Nam là tốc độ ra quyết định khá chậm, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến cần có biện pháp thiết thực và hiệu quả để cắt giảm 5 loại chi phí nói trên nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước trong bối cạnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Bởi lẽ chỉ cần so sánh với doanh nghiệp nước láng giềng trong khối ASEAN là Thái Lan, thì cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã bị thua thiệt về các khoản chi phí do phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Do đó, theo ông Hiếu, khi soạn thảo quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước cần luôn tư duy rằng luật pháp rất đắt đỏ, một chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỉ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy để cắt giảm thì có hai câu hỏi cần trả lời: “Liệu có cách thức nào rẻ hơn mà vẫn đạt mục tiêu quản lý không?” và “Liệu có cách thực hiện nào nhanh hơn mà đỡ tốn kém hơn không?”

Đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự khuyến nghị rằng cần thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để loại bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng Báo cáo kinh tế toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp thứ hạng chỉ số B1 (chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật) của Việt Nam tương đối thấp, đứng thức 96/140 nước.

Để thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành và địa phương trong việc nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9-11-2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cãi thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021...

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn bước đầu các bộ, cơ quan, địa phương về nâng xếp hạng chỉ số B1. Tài liệu hướng dẫn này cũng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287552/luat-phap-rat-dat-moi-chu-viet-ra-co-the-gay-ton-kem-hang-ti-dong-cua-doanh-nghiep.html