Luật pháp nước ngoài áp dụng 'tù tại gia' khi nào?

Tù nhân nổi tiếng nhất thế giới từng phải thụ án 'tù tại gia' chính là bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar người đã bị giam lỏng tại nhà hơn 20 năm trước khi được trả tự do vào năm 2011.

Sáng 13/11, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết Bộ sẽ tiếp nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc (Tổng kiểm toán nhà nước) về hình thức "tù tại gia" để nghiên cứu.

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong chiều qua, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đề xuất này.

Vậy luật pháp các nước ngoài quy định thế nào về hình thức "ngồi tù" còn khá lạ lẫm ở Việt Nam này?

Theo luật pháp Mỹ, nếu một người nào đó bị tòa án tuyên án tù nhưng người này vẫn còn phải chịu nhiều trách nhiệm trong công việc hoặc phải lo cho gia đình (ví dụ đang chăm con nhỏ, phải chăm sóc người cao tuổi...) thì người đó có thể đề nghị tòa án áp dụng hình thức “cầm tù tại gia” (house arrest) hoặc giam giữ tại nhà (home detention) để thay cho v việc ngồi tù thực sự.

Thông thường, tù tại gia được áp dụng cho những phạm nhân không nguy hiểm, không phạm tội liên quan đến bạo lực hoặc những người lần đầu phạm tội. Những người phạm tội lái xe khi đang trong tình trạng say rượu gây hậu quả không lớn thường sẽ dễ dàng được chấp thuận. Tuy nhiên việc cầm tù tại gia được chấp thuận hay không sẽ còn phụ thuộc vào từng văn phòng quản chế khác nhau.

Người bị giam giữ tại nhà được gắn một hệ thống định vị toàn cầu GPS ở gót chân cho đến khi hết thời gian thụ án.

Những người được phép bị giam giữ tại nhà sau đó sẽ được lắp đặt các thiết bị theo dõi điện tử. Thông thường, người thụ án vẫn được phép đi từ nhà tới nơi làm việc hoặc trường học và họ được cài một hệ thống định vị GPS lên người, qua đó vị trí của người này sẽ được giám sát 24/24.

Vị trí trường học hoặc nơi làm việc của người thụ án cũng được cung cấp cho các nhà chức trách để họ có thể xác định liệu phạm nhân có ở những địa điểm bất thường hay không. Người thụ án cũng phải trả một mức phí nhất định hàng tháng để sử dụng thiết bị này.

Một cách khác để theo dõi hoạt động của người thụ án đó là sử dụng một thiết bị SCRAM, viết tắt của cụm từ Secure Continuous Remote Alcohol Monitor (tạm dịch: Hệ thống theo dõi nồng độ cồn từ xa an toàn). Thiết bị này được đeo ở cổ chân của người thi hành án nhằm đo nồng độ cồn trong cơ thể và không thể được gỡ bỏ chừng nào thời gian thụ án chưa kết thúc. Đối với những người phạm tội lái xe trong tình trạng say rượu, các tòa án thường sử dụng thiết bị này.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng sẽ cử một nhân viên hành pháp đến để kiểm tra xem phạm nhân có sử dụng ma túy các loại trong thời gian thụ án hay không. Thông thường quá trình này sẽ diễn ra một lần mỗi tuần và nếu bị phát hiện dương tính, quá trình giam giữ tại nhà sẽ chấm dứt và người thụ án sẽ bị thuyên chuyển đến trại giam để thi hành án.

Quá trình giam giữ tại nhà có một số hạn chế. Đối với người thụ án, một số công ty tin rằng người này sẽ không thể dành đủ thời gian cho công việc và thường họ sẽ phải đấu tranh trong một thời gian dài để giữ được việc làm. Cũng có một số công tố viên ở Mỹ tin rằng việc giam giữ tại nhà chỉ là một phương án thay thế cho các mức án tù nhẹ trong khoảng thời gian 90 ngày trở xuống.

Hình thức giam giữ tại nhà cũng gây ra một số bất tiện nhất định đối với đời sống của người thụ án. Thông thường lý do chính để một người phạm tội xin phép được giam giữ tại nhà là để tiếp tục làm việc, và điều đó có nghĩa là người này phải làm việc tại gia. Đôi lúc các nhân viên công tố sẽ xuất hiện bất ngờ và khiến cho các cuộc họp công việc bị gián đoạn.

Ở nhiều nước khác trên thế giới, giam giữ tại nhà thường được áp dụng cho các tù nhân chính trị, những người có tư tưởng đối lập với chính phủ. Một khi hình thức này được áp dụng, mọi hoạt động của người bị giam sẽ bị giám sát chặt chẽ và người này sẽ không được sử dụng bất kỳ thiết bị liên lạc nào.

Một số ví dụ điển hình gồm có bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar, người đã bị giam lỏng tại nhà hơn 20 năm trước khi được trả tự do vào năm 2011, hay mới đây nhất là mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ tại gia sau một thời gian dài ngồi tù.

Ở Nga, một đạo diễn phim và sân khấu mang tên Kirill Serebrennikov cũng đang phải thụ án tại gia. Ông Serebrennikov đã bị buộc tội biển thủ công quỹ từ một nhà hát mà ông đang làm việc, song báo chí phương Tây cho rằng ông bị chịu mức án này vì lý do chính trị. Một đạo diễn khác là Alexei Malobrodsky cũng đang phải chịu cảnh tương tự.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/luat-phap-nuoc-ngoai-ap-dung-tu-tai-gia-khi-nao-post281798.info