Luật pháp lệ thuộc chính trị

Quốc hội Nga vừa hoàn tất những thủ tục lập pháp cần thiết cuối cùng để thông qua các nội dung trong đề nghị sửa đổi hiến pháp hiện hành của đương kim Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Vladimir Putin.

Ngày 22/4 tới, cử tri Nga sẽ phán quyết về sửa đổi hiến pháp ấy trong một cuộc trưng cầu dân ý. Sửa đổi hiến pháp không thôi chứ chưa nói đến soạn thảo hiến pháp mới luôn là chuyện lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới bởi luôn báo hiệu về sự khởi đầu của một thời kỳ mới cho các quốc gia ấy. Thông thường, nếu không có lý do thật sự xác đáng và cấp thiết thì không ở đâu đặt ra vấn đề sửa đổi hiến pháp hiện hành làm gì.

Ở nước Nga hiện tại, sự cần thiết về sửa đổi hiến pháp không thật sự bức bách và không phải là chuyện được dân chúng quan tâm nhiều. Bởi thế, khi ông Putin bất ngờ đưa ra những đề nghị sửa đổi hiến pháp, người ta liên tưởng ngay đến ý định của ông Putin và cho rằng ông này dùng cách sửa đổi hiến pháp để chuẩn bị cho quyền lực lâu dài.

Theo Hiến pháp hiện hành ở Nga, Tổng thống không được cầm quyền quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Vì quy định này mà ông Putin sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga đầu tiên đã làm Thủ tướng Nga 1 nhiệm kỳ, để rồi trở lại làm Tổng thống. Nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông Putin sẽ kết thúc vào năm 2024. Nếu hiến pháp không thay đổi thì sau 2024 ông Putin không thể tiếp tục cầm quyền được nữa do đã cầm quyền 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tục.

Cho nên nếu muốn tiếp tục cầm quyền thì ông Putin sau năm 2024 lại phải áp dụng chiêu thức xưa - và lần này nghỉ làm tổng thống 6 năm chứ không phải chỉ có 4 năm do thời gian nhiệm kỳ tổng thống Nga đã thay đổi; hoặc sửa đổi hiến pháp hiện hành để hợp pháp hóa việc tái ứng cử tổng thống. Sự khác biệt giữa hai cách thức này rất cơ bản. Một cách là lách luật, trong khi cách còn lại là dùng chính trị để sửa đổi luật. Một cách là chính trị nương theo luật, còn cách kia là pháp luật lệ thuộc chính trị. Theo những sửa đổi hiến pháp mới ở Nga thì quy định về tổng thống chỉ cầm quyền 2 nhiệm kỳ liên tục vẫn được giữ nguyên.

Những nội dung khác như tăng thêm quyền hạn cho tổng thống hay đặt hiệu lực của luật pháp quốc gia lên trên hiệu lực chung của luật pháp quốc tế tuy rất quan trọng, nhưng vẫn không được để ý đến bằng những gì liên quan trực tiếp đến tương lai chính trị của ông Putin. Mấu chốt ở đây là việc vận dụng những sửa đổi hiến pháp như thế nào và ở đó cũng bộc lộ rõ nét nhất luật pháp phụ thuộc chính trị như thế nào. Ở nước Nga, nếu như những sửa đổi hiến pháp này áp dụng luôn với cả tổng thống đương nhiệm thì ông Putin không thể tái ứng cử tổng thống thêm lần nữa, bởi hiện đang ở trong nhiệm kỳ tổng thống liên tục thứ 2.

Nhưng nếu coi từ khi áp dụng những sửa đổi hiến pháp này là bắt đầu thời kỳ hoàn toàn mới, không tính đến những nhiệm kỳ cầm quyền trước đó, tức là tất cả bắt đầu từ số 0, thì ông Putin lại có thể không những ứng cử tổng thống lần nữa mà còn có thể lại cầm quyền 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tục nữa, về lý thuyết cho tới tận năm 2036 - khi ấy, người này sẽ 83 tuổi.

Sửa đổi hiến pháp này mở ra cho ông Putin 2 cách làm là sau khi kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại sẽ ra tranh cử tổng thống, hoặc để cho tiến hành bầu cử tổng thống mới trước khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại kết thúc.

Chuyện luật pháp lệ thuộc chính trị như hiện tại ở nước Nga không phải là lần đầu tiên. Trên thế giới cho tới nay đã có không ít nơi làm chuyện ấy. Cái lệ quyền lực chính trị kia luôn có uy lực áp đảo và luôn có khả năng chế tài luật pháp.

Hạ Nham

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-quan-sat/luat-phap-le-thuoc-chinh-tri-502278.html