Luật nào để xử lý quan chức kê khai tài sản không trung thực?

Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng: 'Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội' cũng như bức xúc của xã hội về việc chậm công bố kết luận về việc sở hữu tài sản 'khủng' của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái, thì vấn đề đặt ra là phải chăng đang có những khó khăn trong việc xác định và xử lý những cán bộ, quan chức kê khai tài sản thiếu trung thực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đã thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp trong tháng 10 tới. Đa số ý kiến đề nghị cần quy định rõ về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý cũng như việc giao cho cơ quan chủ quản xác minh kê khai tài sản nhưng khi phát hiện tài sản có dấu hiệu bất minh thì xử lý thế nào cần phải quy định cụ thể và tránh chồng chéo với luật khác.

Kê khai không trung thực vừa vi phạm vừa coi thường dân

Còn nhớ tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hồi đầu tháng 9 thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, đại biểu Nguyễn Đức Sáu đã nói rất chua chát rằng nhiều cán bộ quan chức khi bị phát hiện có nhà cao cửa rộng, tài sản khủng thì đã bao biện rằng đó là tiền nhờ “bán chổi đót, nuôi heo” là - “coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và chỉ như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên” và “Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản khủng thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận đâu có mù mà tin vào những giải thích như vậy”.

Cũng tại đây, nhiều con số đưa ra khiến người dân giật mình như “tham nhũng gây thiệt hại 1.400 tỉ nhưng thu hồi chỉ 160 tỉ” hay báo cáo “về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỉ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 cán bộ tại các đơn vị như Bộ NNPTNT, Quốc phòng, Công Thương, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai được xác minh tài sản, thu nhập” và chỉ có 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao, ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

Có hai vấn đề ở đây, thứ nhất là người kê khai đã thiếu trung thực như đại biểu Nguyễn Đức Sáu nhận định. Thứ hai là chế tài để phát hiện và xử lý không có nên kém hiệu quả. Theo cách nói của Ủy viên thường trực UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ là: “Chúng ta đi thanh tra kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ôtô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng”.

Quay trở lại câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng. Trước đây, khi báo chí, dư luận nói về một số tài sản của mình, ông Xuân Anh tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12.2015 đã trả lời rằng: “Cá nhân tôi thì hoàn toàn không có bất cứ lô đất nào trên địa bàn TP.Đà Nẵng chứ đừng nói bên biển. Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các đồng chí, thậm chí có tể từ chức Bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi!”. Bây giờ, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng hai nhà ở của DN (phản ánh của báo chí là nhà 45, 47 Nguyễn Thái Học, Đà Nẵng) thì có phải là kê khai tài sản thiếu trung thực không?

Một người cũng mắc nhiều vi phạm, khuyết điểm trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hồi đầu năm 2017 cũng đã có ý kiến từ một số tờ báo thông tin ông Huỳnh Đức Thơ sở hữu nhiều bất động sản và vốn góp ở cơ sở kinh doanh. Ngay sau đó, ngày 15.3, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng đã phát đi thông cáo số 747/VP-NC phản hồi thông tin trên và khẳng định “việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của ông Huỳnh Đức Thơ đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước về thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Bản kê khai hiện nay được giao nộp, lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ để phục vụ công tác giám sát theo đúng quy định”. Bản thân mình, trả lời báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định ông “không có gì phải áy náy. Người tốt thì có bỏ cối giã cũng tốt”. Dù vậy, việc kê khai của ông Thơ có trung thực hay không thì “việc tiến hành các công việc thẩm tra, xác minh sau kê khai (nếu có) sẽ do cơ quan trung ương chỉ đạo thực hiện” để minh bạch vấn đề này.

Không để đợi bổ nhiệm mới kiểm tra, xác minh

Tại thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới diễn ra hôm 20.9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ trong báo cáo: Dự thảo luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Do đó về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo bà Nga, trong điều kiện đó thì trước mắt nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), coi trọng phòng, nhưng phòng tản mạn suốt cả bộ luật, không có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, kê khai tài sản cứ đút ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm, hay có vấn đề đơn thư mới tiến hành kiểm tra. Nhưng kiểm tra theo các bước thì rất đơn giản.

Ông Phong nhấn mạnh, dự thảo luật đưa vào Điều 40 là cơ quan chủ quan tiến hành xác minh. Nhưng khi xác minh phát hiện có dấu hiệu bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào? Thông thường các nước, nếu phát hiện anh A công chức kê khai tài sản, nhưng tôi phát hiện ra anh bất minh thì tự giao cho anh kiểm tra, anh kiểm tra 6 tháng mà không chứng minh được nhưng mà tài sản anh bất minh thì cơ quan chủ quản ra quyết định chuyển cho cơ quan chức năng thu hồi. Rất hợp pháp. Nếu có khiếu kiện thì tòa xử. Rất minh bạch. Chứ nếu sử dụng như quy định đưa ra thì có hai trường hợp xảy ra là cơ quan nào cũng đặt ra yêu cầu xác minh, mà xác minh không có nghiệp vụ thì dễ xảy ra oan sai. Còn nếu xác minh đúng nhưng cơ quan không có thẩm quyền mà xử lý thì trái luật.

Đồng quan điểm trên, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề xuất thêm, kê khai tài sản cần làm rõ ràng, đồng bộ, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin nối kết với nhau.

XUÂN HẢI - LINH ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/luat-nao-de-xu-ly-quan-chuc-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-565957.ldo