Luật Lâm nghiệp sẽ mở trói cho xuất khẩu đồ gỗ

Sáng ngày 15-11, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp với gần 88% phiếu tán thành. Luật mới này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 và được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm hạn chế trong hoạt động bảo vệ rừng cũng như xuất khẩu các sản phẩm gỗ, chế biến từ gỗ.

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực ở một khía cạnh nào đó sẽ hỗ trợ cho ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Luật Lâm nghiệp sẽ thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11, có những điều khoản mới so với luật hiện hành, không chỉ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà cả trong hoạt động xuất khẩu.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau khi Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp, ông Trần Thanh Phong, Hạt trưởng hạt Kiểm Lân Phụng Hiệp thuộc Chi cục kiểm lâm Hậu Giang cho biết, so với luật cũ, luật mới có tính bao quát rộng hơn. Cụ thể, luật có 12 chương, 108 điều, quy định về quy hoạch lâm nghiệp, quản lý rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng, chế biến thương mại, lâm sản, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp, khoa học và công nghiệp…

Luật mới đề cập nhiều và chi tiết hơn về công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là trong khâu phòng chống cháy rừng. Ông Phong cho biết, theo quy định hiện nay, công an là lực lượng phòng chống cháy rừng nhưng Luật Lâm nghiệp quy định chức năng này cho kiểm lâm. Vì thế, việc phòng, chống cháy rừng sẽ hiệu quả hơn.

Lâu nay, tại nhiều địa phương có hiện tượng “chuyển đổi” rừng tự nhiên thành rừng nghèo kiệt để sau đó chặt bỏ trồng cao su hay chuyển sang một số hoạt động khác thì Luật Lâm nghiệp sẽ ngăn chặn điều này. Theo quy định mới, rừng chỉ chia thành hai lại là rừng bảo tồn và rừng kinh doanh. Theo ông Phong, khi đã chia ra hai loại rừng cụ thể như vậy sẽ không có hiện tượng biến rừng tự nhiên thành rừng nghèo kiệt như hiện nay.

Ngoài ra, luật mới cũng mở ra nhiều hướng cho khai thác rừng bảo tồn theo hướng du lịch, bảo tồn thu phí dịch vụ môi trường rừng… để giúp những người dân sống dựa vào rừng tăng thu nhập. Điều quan trọng là nhờ vậy việc bảo vệ rừng không còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Trong những lần lấy ý kiến cho dự thảo Luật Lâm nghiệp, đã có một số ý kiến cho rằng, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gổ lớn đến nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, các thị trường đều đòi hỏi những sản phẩm này phải được dùng nguồn gỗ hợp pháp.

Vì thế, Luật Lâm nghiệp chỉ phân loại rừng thành hai loại là rừng bảo tồn và rừng kinh doanh. Rừng bảo tồn là để phục vụ mục đích bảo tồn và chỉ cho phép khai thác theo hướng du lịch sinh thái. Cònrừng kinh doanh sẽ phục vụ mục đích sản xuất theo chứng chỉ FLEGT của châu Âu hay chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản trị rừng thế giới. Đây được xem là hai chứng chỉ đang được các thị trường như Mỹ, EU... chấp nhập. Các chứng chỉ này là sự bảo đảm cho việc sản phẩm gỗ và chế biến từ gỗ được làm từ nguồn hợp pháp.

Ngoài ra, Luật Lâm nghiệp cũng mở ra những hướng khác nhau trong việc tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức để hoạt động nghiên cứu, bảo tồn rừng được triển khai hữu hiệu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng của năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 6,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/264983/luat-lam-nghiep-se-mo-troi-cho-xuat-khau-do-go.html