Luật hòa giải, đối thoại góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật

Theo nội dung của Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chánh án TANDTC quyết định thành lập, chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát trực tiếp của Tòa án nơi đặt Trung tâm.

Theo truyền thống của người Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án luôn là lựa chọn bất đắc dĩ, là biện pháp cuối cùng. Bởi lẽ, hầu hết các bên trong tranh chấp dân sự là những người có quan hệ huyết thống, bạn bè, kinh doanh. Người Việt có câu ngạn ngữ “Vô phúc đáo tụng đình”, hay “Một đời kiện, chín đời thù” đã thể hiện quan điểm của người dân coi chuyện ra tòa là một cái gì đó ghê gớm, làm tổn hại thanh danh và sứt mẻ tình cảm.

Tại Tòa án, tranh chấp được giải quyết theo phán quyết của Nhà nước nhưng thường mâu thuẫn vẫn tồn tại do có bên thắng, bên thua. Ngược lại, hòa giải, đối thoại sẽ giúp các bên được quyền tự quyết định việc giải quyết tranh chấp của mình; tìm được tiếng nói chung để giải quyết, xoa dịu mâu thuẫn; hạn chế việc phải đưa tranh chấp, khiếu kiện ra xét xử tại Tòa án, từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức của Nhà nước và các bên.

Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tình nghĩa được coi trọng thì hòa giải, đối thoại là cơ hội để các bên sửa sai. Khi hòa giải, các bên được bày tỏ một cách thoải mái về suy nghĩ, điều kiện, hoàn cảnh; giúp cho các đương sự hiểu, thông cảm với nhau, giảm bớt mâu thuẫn, tranh chấp, từ đó thiện chí, hợp tác khi giải quyết tranh chấp. Hòa giải, đối thoại thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, khiếu kiện, củng cố khối đại đoàn kết trong nhân dân. Do vậy Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính hiệu quả hơn.

Theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự (TTDS), Tố tụng hành chính (TTHC) hiện nay thì trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại bị đánh giá là cứng nhắc, không linh hoạt dẫn đến hạn chế hiệu quả của việc hòa giải, đối thoại. Khi xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cơ quan soạn thảo TANDTC đã lựa chọn giải pháp giải quyết tranh chấp, khiếu kiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, triệt để, tôn trọng sự lựa chọn của các bên, phát huy khả năng làm việc độc lập của hòa giải viên, đối thoại viên với phương thức, thủ tục hòa giải, đối thoại linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có 6 chương, 45 điều quy định những nguyên tắc cơ bản về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phạm vi hòa giải, đối thoại, chính sách của Nhà nước, tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, đối thoại viên; trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại; xử lý vi phạm đối với hòa giải viên, đối thoại viên và các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

Phạm vi hòa giải, đối thoại được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC hoặc các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính do một hoặc các bên yêu cầu Tòa án hòa giải, đối thoại. Hoạt động hòa giải, đối thoại theo pháp luật TTDS, pháp luật TTHC không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên. Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND cấp huyện, cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở số lượng vụ việc hòa giải, đối thoại và số lượng hòa giải viên, đối thoại viên. Đối với TAND nơi chưa thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì sẽ có danh sách hòa giải viên, đối thoại viên thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại.

Hòa giải viên, đối thoại viên là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Chánh án TANDTC ra quyết định bổ nhiệm để tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

Đây là chế định được kỳ vọng đặt ra nhằm khắc phục được những hạn chế về sự cứng nhắc của hòa giải trong tố tụng, sự kém hiệu quả của hòa giải ngoài tố tụng khác; phát huy được những ưu điểm về hiệu lực thi hành qua quyết định công nhận kết quả hòa giải của Tòa án. Chính vì vậy, việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án có đặc thù khác biệt với hoạt động xét xử.

Xét xử là căn cứ vào tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật để ra quyết định, sẽ có bên đúng, bên sai. Hòa giải, đối thoại là việc các hòa giải viên, đối thoại viên dùng những kỹ năng chuyên biệt của mình để giúp các bên hiểu hoàn cảnh, tâm lý, tình cảm của nhau, từ đó cảm thông, nhượng bộ và đưa ra quyết định, giải pháp mà hai bên cùng thắng.

Trường hợp hòa giải thành, Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành khi có đủ các điều kiện theo quy định. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Quyết định công nhận hòa giải thành có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận hòa giải thành chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Trình tự, thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật TTDS. Thời hạn ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành là 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Quyết định công nhận hòa giải thành được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Hiện nay Ban soạn thảo đang gấp rút hoàn thiện Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các chuyên gia pháp luật nhận định, khi được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là giải pháp hữu hiệu, là một trong những ưu việt của chế định hòa giải, đối thoại; bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận của các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật và cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Nhóm PVTS

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/trao-doi-nghiep-vu/luat-hoa-giai-doi-thoai-gop-phan-hoan-thien-the-che-phap-luat-23195.html