Luật Hộ tịch: Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Sau 6 năm triển khai thực hiện, Luật Hộ tịch đã góp phần quan trọng bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 18.12.

Hoàn thiện căn bản thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch

Luật Hộ tịch được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch được đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, việc ban hành Luật Hộ tịch là bước hoàn thiện căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phân cấp quản lý và giải quyết việc hộ tịch của người dân.

Cùng với việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch, Chính phủ cũng quan tâm tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo có chọn lọc thực tiễn tốt để công tác hộ tịch theo kịp tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Việt Nam đã tham gia Tuyên bố cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch và để triển khai Tuyên bố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Việt Nam. “Như vậy có thể thấy công tác hộ tịch của chúng ta đã được quan tâm lớn để có được đầy đủ cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế để tiếp tục khẳng định vị trí của mình”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định.

Hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Kể từ khi Luật Hộ tịch được ban hành, công tác hộ tịch đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn.

Đáng chú ý là việc triển khai xây dựng, đưa Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung áp dụng thống nhất trên toàn quốc, bước đầu hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thực hiện kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch...

Hiện nay, người dân có thể đăng ký hộ tịch theo các phương thức thuận lợi nhất: nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (nay là Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh).

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara đánh giá, quá trình thực hiện Luật Hộ tịch đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có việc hiện đại hóa đăng ký và thống kê hộ tịch, thúc đẩy đăng ký hộ tịch trực tuyến

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cốt lõi là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đã kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên đối với các thủ tục đăng ký hộ tịch, trong đó có 3 dịch vụ công thiết yếu là: thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử.

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, giúp đồng bộ, thống nhất dữ liệu, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch (Civil Registration and Vital Statistics - CRVS), thúc đẩy đăng ký hộ tịch trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến tất cả các dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch.

Tính đến ngày 12.12.2022, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 4,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp Thẻ bảo hiểm y tế; trên 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 6 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và trên 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nhiều khó khăn về nguồn lực

Quá trình triển khai Luật Hộ tịch cho thấy một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số quy định pháp luật hộ tịch chưa hoàn toàn đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật có liên quan; chưa dự liệu, điều chỉnh được hết các vấn đề của thực tiễn; chưa thuận lợi cho việc đăng ký hộ tịch trực tuyến toàn trình và đăng ký hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú.

Việc triển khai xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, dự án đầu tư “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” được phê duyệt từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, với mức đầu tư còn khá khiêm tốn (80 tỷ đồng). Chưa có địa phương nào được cấp kinh phí riêng để triển khai Đề án một cách bài bản, hệ thống, đồng bộ (từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị máy tính, máy in, mạng internet, đào tạo người sử dụng, số hóa dữ liệu lịch sử...).

Đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung. Việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan có liên quan chưa thực sự thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả...

Để tháo gỡ được những khó khăn này, các đại biểu cho rằng, Bộ Tư pháp cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã. Bên cạnh đó, bảo đảm phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch; đẩy mạnh công tác truyền thông các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Luật Hộ tịch...

Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) hợp tác với tổ chức Vital Strategies thông qua “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm cải thiện hệ thống CRVS của Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho biết, chúng ta chỉ còn 8 năm để hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững, và hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Bởi 15/17 Mục tiêu phát triển bền vững có sử dụng các chỉ số với các dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng. Vì vậy, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có thể được coi như một công cụ thúc đẩy để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững này.

“UNFPA rất vinh dự được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình thay đổi, xây dựng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại và tiên tiến, trong đó dữ liệu hộ tịch sẽ được chia sẻ và sử dụng để xây dựng và thực hiện các chính sách và ra quyết định dựa trên bằng chứng. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ công tác đăng ký và thống kê hộ tịch trong thời gian tới”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Liên Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/luat-ho-tich-bao-ve-tot-hon-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-dan-i311717/