Luật hấp dẫn và sự tử tế

Mấy hôm nay, tôi đọc thấy rất nhiều sự giễu cợt, hoài nghi về hành động giúp đỡ thí sinh của một anh công an ở Hà Giang. Người ta cho rằng anh công an đó diễn kịch, làm màu, rằng hành động tử tế đó là một kịch bản vụng về...

Trong bất cứ mối quan hệ nào giữa người với người thì điều quan trọng nhất, yếu tố sống còn để mối quan hệ đó được duy trì, chính là việc xây dựng niềm tin.

Trở lại với hành động của anh công an Hà Giang. Nếu bạn đặt mình ở vị trí của anh ta, bạn được báo tin có một đứa trẻ do ngủ quên mà có thể bỏ lỡ một kỳ thi quyết định tới số phận của nó, bạn nắm vững địa bàn, có khả năng tìm đến chỗ đứa bé một cách nhanh chóng, và bạn có điều kiện về thời gian, và phương tiện để có thể giúp đỡ... Bạn có hành động như anh công an đó hay không? Tôi thì tôi cũng sẽ làm như vậy, và tôi tin rằng hầu hết chúng ta đều sẽ có quyết định tương tự.

Nghi ngờ những hành động bất thường là điều cần thiết, bởi nó giúp chúng ta nhìn nhận mọi thứ tường minh hơn. Nhưng khi chúng ta chỉ dựa vào định kiến của mình để nghi ngờ một hành động tử tế và chế nhạo hành động đó dù không có căn cứ thì đó là sự tăm tối. Bởi nó cho thấy chúng ta không muốn tin vào sự tử tế, không muốn chấp nhận sự tử tế.

Chúng ta sẽ được gì khi không muốn tin vào những điều tử tế? Tôi không có câu trả lời đâu, bởi dù thế nào thì tôi cũng muốn tin vào những điều tử tế trong cuộc đời này.

Phạm Trung Tuyến

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/luat-hap-dan-va-su-tu-te-149499.html