Luật hạn chế diễn viên uống rượu bia trong phim: Người ủng hộ, kẻ bất bình

Khán giả đã có những ý kiến trái chiều xung quanh nghị định 24 hạn chế sử dụng bia rượu trong phim.

Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực ngày 24/2 vừa qua. Đáng lưu ý, Điều 4 Nghị định này hướng dẫn cụ thể về hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

Không chỉ các diễn viên, nhà sản xuất bày tỏ ý kiến mà nhiều khán giả cũng đưa ra quan điểm về quy định này. Trong đó, một bộ phận cho rằng việc hạn chế rượu bia trên phim là một hành động đúng đắn.

Một cảnh trong phim "Về nhà đi con".

Một cảnh trong phim "Về nhà đi con".

Tài khoản Hatyah viết: "Xã hội văn minh, chuyện uống bia rượu có thể chuyển tải bằng ngôn ngữ khác thông minh hơn. Đúng là phim Hàn nhiều khi không cần đánh nhau, không cần bia rượu phim vẫn hay, vẫn lôi cuốn người xem. Phim Việt uống rượu thật đóng vẫn thấy gia giã, dại dại làm sao đó, khó xem".

"Rất đồng tình với điều 4 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP. Anh có thể đóng cảnh say túy lúy, nhưng khồng cần phải diễn cảnh anh đang nốc rượu bia", một tài khoản đồng tình.

"Cấm tốt quá uống rượu nịnh hót, uống nhiều nói lung tung, làm càn, đánh nhau, gây tai nạn chết người đổ lỗi tại rượu, cần cấm những cảnh này"...., khán giả nicknam Phúc PHN bình luận.

Bạn ND Nguyễn đề xuất thêm: "Nên hạn chế cả các cảnh khác mà ngoài đời thực bị pháp luật cấm nữa như: đâm chém hoặc bắn nhau, ngoại tình, lái xe vượt đèn đỏ, buôn lậu, làm hàng giả, dùng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt, trộm cắp, cướp giật, bạo hành gia đình... Hạn chế tất".

Mặc dù vậy, còn rất nhiều khán giả tỏ ra băn khoăn về nghị định này. Họ cho rằng việc hạn chế những cảnh này sẽ khiến cho bộ phim mất đi sự thu hút và tính chân thực nhất.

Tài khoản Trí Dũng bất bình: "Nếu cảnh tiếp khách ở nhà hàng mà không dùng rượu bia thì không ra sao cả! Nếu bảo là cấm để không ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội thì sẽ còn nhiều thứ để cấm trên phim ảnh nữa, thưa các nhà làm luật!

Ví dụ, cảnh đua xe, cảnh ẩu đả, cảnh dùng súng như phim Hương Ga, cảnh nhảy nhót, hút chích ở vũ trường,... Tôi chỉ thiết tha xin hãy nghĩ cho sự sáng tạo nghệ thuật được thoải mái hơn. Và trên hết, đừng cho người dân là những người dễ dãi tiếp thu cái không hay từ phim ảnh. Người dân thừa sức thông minh và khôn ngoan để lựa chọn cho mình những gì giữ lại cho bản thân, sau khi xem một tác phẩm điện ảnh. Trân trọng!".

Đồng quan điểm, khán giả Hiền Lê bày tỏ: "Tôi thấy việc hạn chế này quá tào lao, ví dụ như đóng phim để phản ánh tệ nạn giới trẻ ăn chơi, nhậu nhẹt nếu không có cảnh ăn nhậu thì phản ánh cái gì? Quan trọng là tầm nhìn thực tế tốt hơn chứ không phải là quy định gây khó!".

Độc giả Tân đặt câu hỏi: "Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu phim nước ngoài có cảnh đó? Luật có vẽ gây khó cho điện ảnh Việt Nam rồi. Cần phải lấy ý kiến người dân trước khi ra luật. Nếu luật này lấy ý kiến rộng rải tôi nghĩ chưa tới 30% người dân đồng ý".

"Không phải không làm được phim hay mà vì những điều luật đã kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam", "Đã làm phim rồi mà bày đặt cấm này nọ. Phim còn có cảnh giết người nữa kìa" - trích những ý kiến của một số độc giả.

Theo T.N (vietnamnet.vn)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202003/luat-han-che-dien-vien-uong-ruou-bia-trong-phim-nguoi-ung-ho-ke-bat-binh-2472985/