'Luật' giữ rừng nơi dốc mười hai tầng

Cộng đồng người Dao ở Sì Lở Lầu (dốc 12 tầng) đang bảo tồn một hương ước, được gọi là 'Hương ước giữ rừng'. Nó như một 'bộ luật' riêng, nhằm bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn, những cánh rừng cổ thụ nơi biên giới quốc gia.

Những cánh rừng xanh bạt ngàn trong xã Sì Lở Lầu. Ảnh: Kim Nhượng

Từ thành phố Lai Châu muốn tới được xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ phải đi hơn 100km. Sì Lở Lầu nằm chót vót trên đỉnh núi cao, là xã cuối cùng của điểm cực Tây huyện Phong Thổ. Bắt đầu từ xã Dào San lên với Sì Lở Lầu chỉ có những khúc cua ngoằn ngoèo, dưới là vực sâu thăm thẳm, trên là những vách đá dựng đứng. Với người Dao đỏ nơi đây, Sì Lở Lầu nghĩa là "dốc 12 tầng" - muốn tới với Sì Lở Lầu phải vượt qua 12 tầng dốc quanh co uốn lượn. Xã Sì Lở Lầu có 6 bản: Gia Khâu, Lao Chải, Lả Nhì Thàng, Thà Giàng, Xín Chải và Phố Vây. Nhìn từ sau Đồn BP Sì Lở Lầu có thể bao quát được 6 bản của xã, bao quanh là những cánh rừng cổ thụ bát ngát xanh tươi. Nhưng điều khiến Sì Lở Lầu trở nên đặc biệt là nhờ độ che phủ rừng trong xã đạt 80,72% trên tổng diện tích 3.299,55ha rừng phòng hộ. Giữ rừng trở thành một bản sắc của người Dao đỏ từ nghìn đời nay.

Ông Tẩn Lao San, 70 tuổi, là một trong số những người có uy tín của xã, từng là cán bộ địa chính xã và sau là Chủ tịch UBND xã từ những năm 1987, cho biết: "Người Dao đỏ nơi đây phần đa vẫn giữ được cốt cách, phong tục tập quán của mình và hương ước giữ rừng là một trong số đó. Hương ước giữ rừng quy định: Một năm chỉ có 1 ngày duy nhất được dân bản chọn làm ngày "mở cửa rừng". Thường thì ngày mở cửa rừng rơi vào ngày đầu năm hoặc ngày cuối cùng của năm cũ. Rừng chỉ được "mở cửa" khi bắt đầu vào mùa khô. Trước ngày mở cửa rừng, trưởng bản, người già nhất trong làng sẽ cho họp dân thông qua ngày mở cửa rừng. Vào ngày mở cửa rừng, từ sáng sớm tất cả các hộ trong bản đồng loạt vào rừng lấy củi. Điểm độc đáo là mọi người đều được lấy như nhau và chỉ được lấy củi khô, lấy tại những nơi mà bản quy định".

Tập tục này có từ xa xưa nên người Dao đỏ ở đây rất tự giác chấp hành. Tuy nhiên, vẫn còn len lỏi đâu đó người của bản, hoặc người dân nơi khác tới vi phạm, nhưng đều bị xử phạt rất nghiêm. Ông Tẩn Lao San chia sẻ thêm: "Trong một năm có vài trường hợp vi phạm Hương ước giữ rừng những trường hợp này rơi vào một số người trong bản và ngoài xã tự ý vào rừng lấy củi. Trong hương ước cũng ghi rất rõ những hình thức phạt, nếu ai tự ý vào rừng chặt cây sẽ phạt theo hương ước, như phạt gà, phạt thịt lợn, phạt rượu…

Hình thức phạt được gọi là "làm lý". Khi bị phát hiện sai phạm, lực lượng bảo lâm của bản và già làng sẽ đến tận nơi, kiểm tra xem chặt bao nhiêu cây, cây to hay cây nhỏ, độ tuổi của cây là bao nhiêu năm. Cây lâu năm tính bằng vòng tròn của lõi cây, chặt cây càng lâu năm phạt càng nặng, thậm chí vài tạ thịt lợn, vài chục con gà, chặt phá bao nhiêu cây phải trồng lại bằng số cây đã chặt.

Sau khi đưa ra hình phạt, trưởng bản và bảo lâm cùng các ban, ngành sẽ mời cả bản khác tới "ăn phạt". Nét độc đáo là gia đình bị phạt cũng được ăn trong "lễ phạt" đó. Hình thức gọi cả bản bên cạnh tới ăn để nhằm "răn đe" những người khác, tránh tình trạng tự ý vào rừng chặt cây. Một điểm mang đầy tính nhân văn nữa của Hương ước giữ rừng là những gia đình neo đơn, người già yếu không vào rừng được thì người dân trong bản phải có trách nhiệm chặt cây giúp để họ có củi đun. Những gia đình có người ốm, yếu, người nhà phải chăm sóc thì trong "ngày mở rừng", bản sẽ chặt một số cây theo quy định và gia đình đó chỉ được đến lấy những cây đã được bản chặt cho, không được tự ý chặt sang nơi khác. Những hộ dân vi phạm bị bản bắt phạt mà không có tiền mua lễ phạt, bản sẽ ứng tiền cho vay, nếu đến thời hạn mà không trả nợ được hoặc cố tình không trả sẽ bị đuổi ra khỏi bản. Tuy nhiên, từ trước tới nay chưa có trường hợp nào bị đuổi ra khỏi bản".

Thiếu tá Lê Văn Anh cùng ông Tẩn Lao San chỉnh sửa, bổ sung Hương ước giữ rừng của người Dao đỏ. Ảnh: Kim Nhượng

Thiếu tá Lê Văn Anh, cán bộ Đồn BP Sì Lở Lầu được tăng cường làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Sì Lở Lầu chia sẻ: "Trong số 3.299,55ha rừng của toàn xã thì phần lớn nằm trong khu vực gần cột mốc biên giới, thuộc địa bàn Đồn BP Sì Lở Lầu quản lý. Trong nhiều năm qua, trên cương vị Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Sì Lở Lầu, tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương cũng như tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Hương ước bảo vệ rừng. Toàn xã chưa xảy ra bất cứ một vụ cháy rừng nào, cũng như rất ít cá nhân hay tổ chức nào vào rừng chặt cây khai thác gỗ trái phép. Đạt được những thành công đó đều nhờ vào sự nghiêm chỉnh chấp hành của bà con, đặc biệt Hương ước giữ rừng đóng vai trò rất quan trọng.

Trên tinh thần đó, tháng 6-2014, Mặt trận Tổ quốc huyện Phong Thổ có công văn yêu cầu các xã chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện lại bản hương ước sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng bản. Là một người trực tiếp hoàn thiện bản hương ước giữ rừng của xã Sì Lở Lầu, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bản hương ước đó. Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi nhận thấy bản Hương ước rất chặt chẽ, những nội dung đều mang đậm nét văn hóa người Dao đỏ. Tôi chỉ cần chỉnh sửa một vài chi tiết nhỏ sao cho phù hợp với thực tế đời sống, cũng như văn hóa của bà con.

Theo đó, Hương ước mới đã loại bỏ nhiều chi tiết chưa phù hợp như: Phạt người vi phạm rất nặng, đôi khi số thịt lợn, thịt gà, mà người bị phạt phải chịu lên tới cả vài chục tạ, vài trăm con gà, cùng với rất nhiều rượu. Nếu như không chỉnh sửa kịp thời, cũng như thích hợp thì sẽ dẫn tới tình trạng ăn uống linh đình, hộ dân bị bắt phạt phải lao đao đi vay nợ khắp nơi lo cho "lễ phạt". Trong lễ ăn phạt lại uống nhiều rượu dễ dẫn tới mất an ninh trật tự”.

Chia tay vùng đất "dốc 12 tầng" và những cánh rừng xanh mướt kéo dài tít tắp tới tận cột mốc số 71 mà tôi thấy an lòng, bởi hằng ngày những người lính mang quân hàm xanh và người dân Sì Lở Lầu vẫn thường xuyên đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc dưới những tán lá xanh ngắt ấy.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/luat-giu-rung-noi-doc-muoi-hai-tang/