Luật Giao thông đường bộ sửa đổi những gì?

Bộ GTVT đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi với nhiều nội dung mới.

Ông Nguyễn Văn Huyện

Ông Nguyễn Văn Huyện

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh dự thảo Luật này.

12 năm giảm hơn 6.000 người chết vì tai nạn giao thông

Luật GTĐB 2008 đã thực hiện 12 năm. Ông có thể đánh giá kết quả thực hiện trong khoảng thời gian từ đó đến nay?

Qua 12 năm thực hiện, Luật giao thông đường bộ năm 2008 tạo được hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động giao thông đường bộ, góp phần quan trọng hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, thông suốt, an toàn, phương tiện phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, chất lượng dịch vụ vận tải không ngừng được nâng cao; tạo hành lang pháp lý để hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam chủ động kết nối và hội nhập với hệ thống giao thông vận tải của các nước trong khu vực.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở kết quả kéo giảm số người chết do TNGT. TNGT giảm liên tục qua các năm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.Trong đó, số người chết giảm từ khoảng 15.000 người năm 2009 xuống còn khoảng 8.500 người vào năm 2019.

Vậy vì sao đến thời điểm này lại phải sửa Luật GTĐB, thưa ông?

Đúng vậy, bên cạnh kết quả tích cực, sau nhiều năm thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự tiến bộ của khoa học, công nghệ và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện nay, Luật GTĐB năm 2008 đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi, phát triển của đất nước như: Một số luật mới được ban hành có sự thay đổi liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông đường bộ.

Cùng đó, hiện chưa có khung pháp lý với các phương tiện công nghệ mới, phương tiện giao thông thông minh. Vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hiện vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa một số loại hình vận tải. Một số các quy định của Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với thực tế của Việt Nam chưa được nội luật hóa...

Phân định rõ hoạt động kinh doanh vận tải, loại xe dù, bến cóc

Dự thảo Luật GTĐB mới quy định chỉ còn 3 loại hình vận tải thay vì 5 loại hình như hiện nay. Ảnh: Trần Duy

Vậy, việc sửa đổi Luật GTĐB lần này có những điểm mới nào đáng chú ý, thưa ông?

Dự thảo như Luật bổ sung nhiều điểm mới về khái niệm, quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện và vận tải.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật GTĐB sửa đổi thay thế Luật GTĐB năm 2008, Bộ GTVT xác định bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Dự thảo Luật cũng xây dựng các quy định để tăng cường công tác đảm bảo ATGT; ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo công khai, minh bạch, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thúc đẩy giao thông đường bộ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Huyện,Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung các khái niệm trong đó có khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng; sửa đổi, bổ sung các hành vi cấm để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc.

Về quy tắc giao thông, Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy tắc để tăng cường đảm bảo ATGT. Trong đó, sửa đổi quy định về thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn; quy định cụ thể hơn về hệ thống báo hiệu, tín hiệu; có nguyên tắc nhường đường cho xe chở học sinh trong việc tham gia, dừng, đỗ cho học sinh lên xuống xe; nâng các quy định về khoảng cách, tốc độ đã thực hiện ổn định ở các văn bản dưới luật.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy tắc giao thông trên đường cao tốc, dự thảo Luật cũng bổ sung quy tắc cho người đi bộ; tổ chức giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông và quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc xử lý ùn tắc giao thông và TNGT.

Dự thảo Luật cũng làm rõ mối quan hệ không thể tách rời giữa tổ chức giao thông với kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Mọi phương án tổ chức giao thông đều phải xuất phát từ thực tiễn kết cấu hạ tầng, phương tiện tham gia giao thông.

Liên quan đến phương tiện tham gia giao thông, Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới nhằm đảm bảo ATGT và hội nhập quốc tế. Bổ sung quy định về điều kiện đối với loại xe 4 bánh có gắn động cơ, điều kiện đối với phương tiện giao thông thông minh, phương tiện sử dụng công nghệ mới.

Cùng đó, sửa đổi, cập nhật các quy định về cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới phù hợp với Công ước về giao thông đường bộ. Luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe máy chuyên dùng. Bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm và trách nhiệm trong việc đảm bảo yêu cầu về điều kiện phương tiện khi tham gia giao thông, giao phương tiện cho người đủ điều kiện điều khiển.

Ngoài ra còn rất nhiều những điểm mới được bổ sung trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; về phương tiện và người điều khiển phương tiện, hoạt động vận tải đường bộ; ứng dụng công nghệ thông tin; xử lý vi phạm trong lĩnh vực đường bộ.

Việc quản lý vận tải hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo, khiến vẫn nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình diễn biến phức tạp. Vậy, dự thảo lần này đưa ra những quy định gì để khắc phục ?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để đảm bảo phân định cụ thể giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ, hoạt động vận tải cá nhân. Luật cũng phân loại lại các loại hình vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình vận tải; giảm bớt các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tế. Cùng đó, tập trung vào các điều kiện kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo ATGT; Bổ sung quy định về công tác đảm bảo ATGT và quy định về hàng hóa ký gửi, cũng như hoạt động kinh doanh cho thuê xe ô tô tự lái.

Luật phân loại lại từ 5 loại hình xuống thành 3 loại hình gồm: Xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng. Trong đó, loại hình xe buýt bao gồm xe buýt nội tỉnh và xe buýt liên tỉnh được gộp từ 2 loại hình vận tải có cùng tính chất (tuyến, biểu đồ chạy xe và lộ trình ổn định) được quy định trong Luật GTĐB năm 2008 là vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt.

Loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng này được ghép từ 2 loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch quy định trong Luật GTĐB năm 2008, đồng thời quy định sức chứa ô tô từ 9 chỗ trở lên giúp tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất (xe taxi và xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng ).

Loại hình taxi bao gồm vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch bằng xe ô tô dưới 9 chỗ được quy định trong Luật GTĐB 2008 vì có cùng bản chất dịch vụ.

Như vậy, theo phương án phân loại lại như trên, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được phân định thành 3 loại hình với những đặc điểm khác biệt rõ ràng về tính chất dịch vụ và cách thức tổ chức, quản lý điều hành vận tải, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp (VD: Xe taxi với xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng; vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch) như quy định hiện hành trong Luật GTĐB năm 2008. Đồng thời, việc thống nhất khái niệm vận tải hành khách bằng xe buýt và vận tải hành khách theo tuyến cố định đảm bảo đúng tính chất dịch vụ và cách thức tổ chức vận tải, phù hợp với thực tiễn hoạt động vận tải hiện nay và thông lệ quốc tế.

Liên quan đến cơ chế thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Luật sửa đổi lần này quy định ra sao, thưa ông?

Dự thảo Luật cũng bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ, quy định về đường giao thông nông thôn để phù hợp với Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 26 của Ban chấp hành T.Ư khóa X; thẩm quyền điều chỉnh các hệ thống đường bộ.

Luật cũng điều chỉnh, bổ sung các nội dung nhằm xác định rõ phạm vi bảo vệ đất và quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đồng bộ với quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, theo hướng quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; điều chỉnh các quy định về đầu tư, khai thác, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng trong đó các nội dung, cơ chế chính sách về đầu tư phát triển, quản lý vận hành và bảo trì đường cao tốc nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường cao tốc và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Cùng đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo ATGT.

Giải quyết triệt để phí chồng phí

Dự thảo Luật phân định rõ đường nào thu phí hoàn vốn, đường nào ngân sách Nhà nước phải chi bảo trì, chấm dứt tình trạng dư luận vẫn phản ánh về phí chồng phí

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, dư luận thời gian qua vẫn có những phản ánh về tình trạng phí chồng phí. Dự thảo luật lần này quy định thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề này, thưa ông?

Tại Điều 83, 84, 85 của dự thảo quy định rõ nguồn tài chính cho đường bộ do Nhà nước đầu tư, được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước và các nguồn thu nộp NSNN, trong đó, có phí sử dụng đường bộ. Nguồn tài chính cho đường bộ được đầu tư để kinh doanh bảo đảm từ thu tiền kinh doanh dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định của hợp đồng dự án giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nguồn tài chính cho đường bộ chuyên dùng không đầu tư bằng nguồn NSNN do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 83 của dự thảo quy định, nguồn tài chính từ phí sử dụng đường bộ nộp NSNN bao gồm: Phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành; phí sử dụng đường bộ thu đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Việc quy định bổ sung nguồn phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc là do người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông trên đường cao tốc với dịch vụ cao hơn, an toàn hơn. Đường cao tốc có chi phí đầu tư, quản lý, bảo trì lớn hơn, được tổ chức khai thác chặt chẽ hơn so với đường bộ thông thường. Do đó, cần có quy định khác biệt hơn so với đường bộ thông thường, trong đó có nội dung phí sử dụng đường bộ trên đường bộ cao tốc.

Với quy định này sẽ đáp ứng một phần nhu cầu về vốn đầu tư, quản lý, bảo trì, khai thác đường cao tốc, đồng thời góp phần điều tiết giao thông, phát huy hiệu quả của dự án, bảo đảm công bằng đối với các phương tiện cơ giới đường bộ khi lưu thông trên các tuyến cao tốc nói chung do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có sự lựa chọn khi sử dụng tuyến đường bộ cao tốc có tuyến đường bộ thông thường song hành.

Như vậy, trong lần sửa đổi này, nội dung phí sử dụng đường bộ thu nộp NSNN dành cho đường bộ do Nhà nước đầu tư; thu tiền từ kinh doanh dịch vụ sử dụng đường bộ cho đường bộ đầu tư để kinh doanh được quy định cụ thể, rõ ràng, giải quyết dứt điểm tranh luận về phí chồng phí.

Thời gian qua, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực vận tải, đảm bảo ATGT. Lần sửa đổi này, các quy định liên quan đến nội dung này đã được tính toán, cân nhắc ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ được đẩy mạnh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Tại dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về giao thông đường bộ, nội dung này bao gồm các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình, thủ tục để thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và truy xuất thông tin liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ. Trong đó, có cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống quản lý, điều hành và giám sát giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông; giấy phép lái xe; vận tải đường bộ; TNGT đường bộ; xử lý vi phạm trong lĩnh vực đường bộ.

Ông kỳ vọng gì vào việc sửa đổi Luật GTĐB lần này trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kéo giảm ùn tắc và TNGT?

Việc xây dựng dự thảo Luật GTĐB sửa đổi để thay thế Luật năm 2008 với nhiều điểm mới, khắc phục những điểm bất cập hiện nay, luật hóa các cam kết quốc tế và đưa ra khung pháp lý để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, những xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới.

Chúng tôi kỳ vọng dự thảo Luật lần này sẽ tạo cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực để đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng. Cùng đó sẽ tạo ra xu thế ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, phương tiện, người lái xe, hoạt động vận tải và giám sát, xử lý vi phạm.

Đây cũng là cơ hội để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch, công khai, bình đẳng trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia gia thông, giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông.

Cảm ơn ông!

Trần Duy (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/luat-giao-thong-duong-bo-sua-doi-nhung-gi-d464732.html