Luật Giáo dục (sửa đổi): Chưa tách bạch quản trị hoạt động đầu tư và đào tạo

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa có quy định tách bạch quản trị hoạt động đầu tư và quản trị hoạt động đào tạo. Đây là góp ý của ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục thì làm rõ quyền lợi nhà đầu tư là động lực quan trọng hàng đầu. Trong khi, Điều 54 của dự thảo Luật quy định về quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư, nhưng lại chưa quy định hình thức đầu tư trong giáo dục để định hướng hoạt động của nhà đầu tư. Theo ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh, nếu chưa có quy định tách bạch quản trị hoạt động đầu tư của nhà đầu tư và quản trị hoạt động đào tạo, thì khi có tranh chấp sẽ không có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết. Các bất cập nêu trên đã xảy ra trong thực tiễn, nhưng dự thảo luật vẫn chưa dự liệu hết và giải quyết triệt để vấn đề này.

 ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Ngoài ra, trong Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 19/1/2018 có quy định hình thức đầu tư là nhà đầu tư cơ sở giáo dục đại học tư thục thành lập tổ chức kinh tế, nhưng trong Luật Giáo dục (Luật mẹ về giáo dục) không quy định về điều này. Vì vậy, ĐBQH Thịnh cho rằng, dự thảo Luật cần sửa, nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mới phải thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Theo Điều 99 dự thảo quy định về quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục, có quy định rõ và tách bạch tài sản của trường dân lập và trường tư thục như sau: "Tài sản trường dân lập thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường, tài sản trường tư thục thuộc sở hữu của nhà đầu tư". Tuy nhiên, tại Khoản 2 điều này lại quy định: "Các nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định của pháp luật có liên quan".

ĐB Thịnh cho rằng, quy định như vậy, có thể hiểu nhà đầu tư bị tước quyền tài sản và vốn góp của họ. Bên cạnh đó, khi quy định về việc chuyển quyền sở hữu cho nhà trường nhằm làm rõ phần vốn đầu tư vào nhà trường và tách bạch tài sản của cá nhân, thì nội dung này chỉ có tính khả thi khi nhà đầu tư không phải là tổ chức kinh tế. Nếu quy định nhà đầu tư phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho nhà trường thì có thể sẽ tạo nên hai pháp nhân và hai hệ thống kế toán dẫn tới sẽ không đạt được mục tiêu làm rõ phần vốn đầu tư mà chỉ tạo nên mâu thuẫn trong thực tế và có thể chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư.

Do vậy, dự Luật cần làm rõ nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế thì không phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho nhà trường. Bởi vì khi nhà đầu tư đã thành lập tổ chức kinh tế thì phần vốn góp đã được định danh theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 99 cần bổ sung như sau: "Trường hợp nhà đầu tư không thành lập tổ chức kinh tế thì các nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định của pháp luật có liên quan". Quy định như vậy sẽ tương thích với việc thành lập tổ chức kinh tế ở Điều 54 về quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư.

Thùy Ngân

Bạn đang đọc bài viết Luật Giáo dục (sửa đổi): Chưa tách bạch quản trị hoạt động đầu tư và đào tạo tại chuyên mục Pháp luật của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/chua-ro-quyen-nha-dau-tu-giao-duc-150779.html