'Luật Giáo dục mới cần tạo ra cơ chế để nâng cao năng lực, đời sống người thầy'

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Trong dự thảo có nhiều điểm đáng chú ý như nâng thang bậc lương nhà giáo, miễn học phí tới cấp THCS hay như giảm biên chế, nâng thu nhập nhà giáo…

Xung quanh nội dung dự thảo này, chúng tôi có cuộc trao đổi với đại biểu Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội.

Phải tổ chức lại chế độ lương bổng cho giáo viên

Thưa ông, Dự thảo Luật Giáo dục đề cập tới nâng thang bậc lương nhà giáo lên cao nhất trong đơn vị hành chính sự nghiệp, theo ông vấn đề này có khả thi và thực hiện như thế nào?

- Tôi không rõ cao nhất là cách nói như thế nào, con số tuyệt đối là bao nhiêu. Nhưng trong nhận thức để cho người thầy có thang bậc lương cao nhất thì tôi rất hoan nghênh.

"Chúng ta phải tổ chức lại giáo dục và yếu tố lương bổng chỉ thể hiện quan trọng đối với vị thế của xã hội cho ngành giáo dục" (Ảnh: Thanh Hùng)

Trong dự thảo có đề cập tới việc miễn học phí tới cấp THCS, bản thân ông đánh giá thế nào về chủ trương này nếu được thực hiện?

- Những thế hệ chúng tôi cảm thấy hết sức bình thường vì đã từng như thế, nhất là thời kì chúng ta nhấn mạnh tới tính ưu việt của chế độ chúng ta là phúc lợi xã hội. Hai phúc lợi quan trọng nhất để sống là y tế và giáo dục, vừa qua chúng ta có phần nào đó khó khăn, cũng do chiến tranh, do nhận thức không biện chứng ý niệm “xã hội hóa”. Chính một thời kì Nhà nước từ bỏ trách nhiệm đối với xã hội, dẫn đến tác động vào xã hội, tạo nên sự bất bình đẳng trên lĩnh vực giáo dục.

Nếu chúng ta nhìn vào truyền thống lịch sử thì thấy, sở dĩ dân tộc ta xây dựng được nền văn hiến vì ngày từ rất sớm chúng ta đã có chính sách giáo dục đúng đắn (bất kì con người ở xã hội nào cũng có quyền vươn lên bằng con đường giáo dục). Nhưng hiện tại đâu có còn, về luật thì Hiến pháp có thể nói, nhưng rõ ràng vẫn có rất ít điều kiện, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi nghĩ rằng, ngay bản thân phát triển giáo dục chúng ta cũng có đôi lúc lệch lạc về hệ thống giá trị, ví như bằng cấp chẳng hạn. Bằng cấp không phải là không cần thiết, nhưng tuyệt đối hóa bằng cấp thì sẽ mất đi giá trị bằng cấp, tạo ra xã hội có những định hướng không phù hợp; hay như mục đích học cũng vậy, ai cũng muốn làm thầy mà không muốn làm thợ.

Vậy chính sách miễn học phí như đề cập ở trên có tác động như thế nào tới ý thức người dân, thưa ông?

- Đứng ở mặt nào đó đây cũng là một bài toán kinh tế, Nhà nước đưa ra chủ trương đó thì nhân dân rất hoan nghênh, nhưng nền tảng, kinh tế của đất nước phải như thế nào đó cho bền vững, nếu không sẽ biến báo sang cái khác, ví như “lệ phí” chẳng hạn.

Ngay như nếu chúng ta chỉ bàn câu chuyện lương bổng, thu nhập, cũng có những người hoạt động ở lĩnh vực giáo dục có thu nhập rất lớn, có thể họ có tài năng, biết cách tổ chức thực hiện, nhưng không phải không có yếu tố tác động tiêu cực từ xã hội. Chúng tôi nghĩ, chúng ta phải tổ chức lại giáo dục và yếu tố lương bổng chỉ thể hiện quan trọng đối với vị thế của xã hội cho ngành giáo dục.

Đảm bảo nguồn lực bền vững cho nhà giáo

Theo ông, việc miễn học phí cấp THCS có làm thay đổi gì việc đóng góp của phụ huynh hiện nay không?

- Ít nhất là trách nhiệm xã hội thay đổi, lẽ ra bài toán đầu tư cho một cháu thì lượng đầu tư của xã hội là bao nhiêu mới bảo đảm tối thiểu để vươn tới tối đa. Vấn để giảm hay miễn học phí ở cấp nào đó còn do bài toán kinh tế phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng.

"Vấn để giảm hay miễn học phí ở cấp nào đó còn do bài toán kinh tế phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng" (Ảnh: Thanh Hùng)

Dự thảo cũng đề cập tới chuyện nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ giáo viên từ mầm non, tiểu học phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên, ông suy nghĩ gì về câu chuyện này?

- Về vị trí quan trọng, tôi nghĩ cấp nào cũng quan trọng, tất nhiên giáo dục có trang bị kiến thức và phương pháp thì mỗi cấp học khác nhau, nhưng không cấp nào không quan trọng vì giáo dục là cả tiến trình.

Bên cạnh yếu tố trang bị kiến thức và kĩ năng của người thầy thì cũng phải tùy thuộc vào việc cụ thể, ví như bậc mầm non thì vấn đề tâm lí hết sức quan trọng. Chính bậc học nhỏ là nền tảng và các cấp sau chỉ là sự kế thừa, nên cấp nào cũng quan trọng.

Ông kỳ vọng gì ở Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới?

- Tôi nghĩ có hai vấn đề, một là cơ chế để hạn chế tiêu cực trong giáo dục, thứ hai là con người, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức nghề nghiệp của mỗi nhà giáo. Vấn đề này cần có thời gian chứ không thể một sớm.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Trung thực hiện

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/dai-bieu-duong-trung-quoc-luat-giao-duc-moi-can-tao-ra-co-che-de-nang-cao-nang-luc-doi-song-nguoi-thay-412878.html