Luật Giá (sửa đổi): Lấp khoảng trống pháp lý về thẩm định giá, ngăn hành vi dìm giá, thổi giá

Nhiều đại biểu Quốc hội nhắc lại nhiều vụ án tham nhũng thời gian qua gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Từ sau những sai phạm này, các tổ chức tư vấn định giá ngần ngại định giá các tài sản công gây ra nhiều ách tắc...

Luật Giá cần bịt những lỗ hổng, khoảng trống pháp lý, để làm cơ sở cho việc xác định giá và nâng cao hiệu quả quản lý.

Luật Giá cần bịt những lỗ hổng, khoảng trống pháp lý, để làm cơ sở cho việc xác định giá và nâng cao hiệu quả quản lý.

Chiều ngày 11/11, tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều nội dung mới về doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, thẩm định giá của Nhà nước, Hội đồng thẩm định giá… nhận được sự quan tâm từ nhiều đại biểu Quốc hội.

"LỖ HỔNG" TỪ THẨM ĐỊNH GIÁ GÂY NHIỀU THẤT THOÁT

Về chính sách thẩm định giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nêu rõ thực tế thời gian gần đây, sau hàng loạt sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng.

"Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường", ông Thịnh quan ngại.

Vì vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo dự thảo Luật Giá.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng kết quả thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng cho rằng nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thời gian qua đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công.

Tuy nhiên, thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên, ông Cường cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định bảo vệ cho những người làm định giá cũng như công cụ định giá.

Do đó, "hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán", ông Cường chỉ rõ vướng mắc.

Mặt khác, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm công được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế; hay nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản do không thể xác định giá đất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhấn mạnh để xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá, phải có cơ sở dữ liệu đầu vào - Ảnh: Quochoi.vn.

"Nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định một cách chặt chẽ một cách cụ thể những các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa. Đồng thời, chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá, bảo đảm không có tư lợi", đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận nguyên nhân.

"Yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần phải đưa có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để có được xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào.

Do vậy, việc kê khai giá là một điều vô cùng quan trọng.

"Hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá", Đại biểu đề nghị.

Theo đó, hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất đưa sản phẩm vào thị trường và những doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ.

Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng quan ngại về tình trạng có nhiều vụ việc làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước rất lớn, nguyên nhân một phần do yếu kém, thiếu khách quan, thiếu trung thực trong thẩm định giá nhà nước.

Đó là các vụ việc thông đồng dìm giá đất, thổi giá kit xét nghiệm, mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… để trục lợi. Điều này đòi hỏi sửa đổi Luật Giá cần bịt những lỗ hổng, khoảng trống pháp lý, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc sửa đổi Luật Giá là cần thết nhằm bịt những lỗ hổng, khoảng trống pháp lý, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giá.

Đại biểu đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá do Hội đồng thẩm định giá thực hiện; quy định rõ giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp.

Ngoài chủ thể là Hội đồng thẩm định giá, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể liên quan trực tiếp đến thẩm định giá, nhất là người đứng đầu.

TĂNG SỐ LƯỢNG THẨM ĐỊNH VIÊN KHÔNG NÂNG ĐƯỢC CHẤT LƯỢNG

Liên quan đến các quy định tại dự án Luật Giá (sửa đổi) về thẩm định viên, đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, đánh giá cao dự thảo luật có một nội dung rất cơ bản là thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa, gồm thẩm định giá về tài sản và thẩm định giá về doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên sâu.

Tuy nhiên, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị xem xét quy định tăng số lượng thẩm định viên giá để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Cùng với đó, "yêu cầu phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ 36 tháng trở lên sẽ hạn chế sự phát triển của nguồn nhân lực thẩm định giá", bà Mai nhìn nhận.

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định không nên quy định yêu cầu ràng buộc phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp.

Do đó, đại biểu đề nghị Luật Giá (sửa đổi) nên hướng tới quy định nội dung nâng cao chất lượng kỳ thi, thẩm định viên về giá, để đánh giá đúng người có chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp thay vì hạn chế người được tham gia.

Đề cập về đăng ký hành nghề thẩm định giá, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cũng đề nghị: "Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định tăng thêm về số lượng thẩm định viên để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và dịch vụ thẩm định giá đối với doanh nghiệp là 5 người có thẻ thẩm định viên và chi nhánh là 3 người".

Bà Tú Anh đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này, đảm bảo cho các doanh nghiệp thẩm định giá và các chi nhánh của doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tổ chức bộ máy, hạn chế được việc thiếu thẩm định viên đăng ký hành nghề trong tình hình hình hiện nay.

Ánh Tuyết -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/luat-gia-sua-doi-lap-khoang-trong-phap-ly-ve-tham-dinh-gia-ngan-hanh-vi-dim-gia-thoi-gia.htm