Luật GD Đại học đi vào cuộc sống: Bước bứt phá của cả hệ thống

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu ghi nhận những bước tiến quan trọng của GD nước nhà và ấn tượng với thành tích của lĩnh vực GDĐH. Theo các đại biểu, ngày 1/7 tới đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sẽ có hiệu lực, không chỉ là điểm nhấn quan trọng của ngành GD mà còn là hành lang pháp lý để GDĐH bứt phá.

Ảnh minh họa

Cơ hội để các trường ĐH bứt phá

Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) nhìn nhận, thời gian qua, ngành GD đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến điều hành chung và cả những lĩnh vực GD cụ thể. Chẳng hạn như đối với GDĐH, Việt Nam đã có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM ghi danh vào bảng xếp hạng top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới.

Đồng thời, ngành GD đã tập trung nâng cao công tác xây dựng chính sách pháp luật, mà điểm nhấn là dự thảo Luật GD (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Luật này đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, những chính sách mới được quy định trong Luật không chỉ là hàng lang pháp lý, mà còn là điều kiện tiên quyết để GDĐH bứt phá.

 Đại biểu Hồ Thanh Bình

Đại biểu Hồ Thanh Bình

“Tôi cho rằng, chính sách được quan tâm nhất là tự chủ đại học. Theo Luật này, các trường ĐH sẽ phát huy quyền tự chủ. Đi cùng với chính sách này là các quy định về hội đồng trường, các hoạt động liên quan đến nghiên cứu khoa học… được khai phóng và phát huy tối đa. Qua giám sát tôi nhận thấy, các trường ĐH đều muốn Luật sớm đi vào cuộc sống. Khi đó, các trường sẽ có cơ sở để xác định phương hướng và giải pháp cụ thể để phát triển” – đại biểu Hồ Thanh Bình cho hay.

Khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là một trong những thành công của ngành GD, đại biểu Hồ Thanh Bình kỳ vọng: Các trường ĐH sẽ nắm bắt được cơ hội này, tận dụng tối đa thuận lợi về hành lang pháp lý và sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ GD&ĐT để ngày càng nâng cao về chất lượng, tiếp tục đạt thứ hạng cao trong nước cũng như khu vực và trên thế giới.

“Điều rõ nét mà tôi nhận thấy, các trường ĐH rất chú trọng nâng cao bài báo quốc tế có chỉ số ISI – SCOPUS. Hiện nay, các trường đều nhận thức rõ việc này và trong nghiên cứu khoa học đều hướng đến đăng ký bản quyền quốc tế. Đây là nhận thức phù hợp với thực tiễn, thể hiện GD của chúng ta đang đi đúng hướng. Đó cũng là kết quả bước đầu từ tác động tích cực của chính sách GD”, đại biểu Hồ Thanh Bình nhận định.

Đại biểu Trần Anh Tuấn. Ảnh: Sỹ Điền

Những tác động tích cực từ chính sách

Cho rằng, GDĐH Việt Nam đạt được thành công nhất định, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) tin tưởng: Việc chúng ta được xếp hạng top trường ĐH tốt nhất thế giới không chỉ là vinh dự cho GD Việt Nam mà còn là động lực để các trường ĐH phấn đấu giành thứ hạng cao hơn trên thế giới. Mặt khác, đây cũng là yếu tố quan trọng để chúng ta thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư cho GD, đồng thời thu hút SV quốc tế tìm đến Việt Nam học tập.

Nhấn mạnh GD là quốc sách hàng đầu, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến GD nói chung và GDĐH nói riêng, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Theo đại biểu, trong thời gian tới, để các trường có thể vươn tầm thì cần tập trung phát triển nghiên cứu khoa học mạnh mẽ hơn. “Cần xác định, ngoài những việc đầu tư trang thiết bị, đổi mới phương pháp giảng dạy thì nghiên cứu khoa học, công bố các công trình có uy tín trong hệ thống ISI – SCOPUS là nhiệm vụ quan trọng. Càng có nhiều công trình như vậy thì danh tiếng của trường ĐH sẽ lan tỏa mạnh hơn và thứ bậc của các trường sẽ được cải thiện” – đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luat-gd-dai-hoc-di-vao-cuoc-song-buoc-but-pha-cua-ca-he-thong-4009206-b.html