Luật FIFA nói thế nào về việc bóng lăn qua biên như tình huống trước bàn thắng của Nhật Bản?

Bàn thắng thứ hai của đội tuyển Nhật Bản được ghi sau một tình huống cực kỳ khó nhận định và khó giải thích. Nó lại càng gây tranh cãi nhiều hơn khi mà chính vì nó, đội tuyển Đức đã không qua được vòng bảng. Vậy chính xác thì luật của FIFA nói thế nào về trường hợp này?

Sau khi rất nhiều hình ảnh được công bố, nhiều khán giả vẫn không thể tin được rằng trái bóng trong tình huống trước bàn thắng thứ hai của đội Nhật Bản vào lưới Tây Ban Nha lại chưa đi hết đường biên ngang. Rất nhiều nhà bình luận cũng như cổ động viên đều liên tục viết trên mạng xã hội, chỉ trích việc công nhận bàn thắng của Nhật.

Sự giận dữ của nhiều người là cũng phải, vì nhìn theo nhiều góc máy, ai cũng có thể thấy rõ cỏ trên sân ở giữa trái bóng và đường biên ngang, tức là dường như bóng đã đi qua hết vạch vôi rồi. Đến cựu trọng tài của giải Ngoại hạng Anh là Mark Clattenburg còn nói với kênh Fox Sports rằng ông cũng nghĩ “bóng đã ra ngoài sân và bàn thắng sẽ bị hủy”.

Có thể thấy rõ cỏ trên sân ở giữa trái bóng và đường biên ngang. Ảnh: Twitter.

Có thể thấy rõ cỏ trên sân ở giữa trái bóng và đường biên ngang. Ảnh: Twitter.

Tuy nhiên, theo đúng luật thì bóng chỉ được coi là ra ngoài sân nếu TOÀN BỘ trái bóng đã hoàn toàn đi qua hết đường biên. Nói cách khác, nếu bạn kẻ một đường vuông góc với mặt sân - thẳng từ đường biên lên trời - và nếu đường thẳng đứng đó cắt qua/ giao với BẤT KỲ PHẦN NÀO của trái bóng, thì bóng vẫn trong cuộc. Những góc khác nhau của tình huống trước bàn thắng của đội Nhật Bản đã cho thấy một “mẩu” của trái bóng - dù cực nhỏ - vẫn chưa hoàn toàn qua hết đường biên.

Bóng như thể đã qua vạch vôi, nhưng thực ra là chưa qua hoàn toàn. Ảnh: Twitter.

FIFA cũng đã đưa ra lời giải thích rõ hơn, rằng “đường cong của trái bóng” khiến nó vẫn được coi là còn trong cuộc. Cựu trọng tài Peter Walton nói trên kênh ITV của Anh: “Có một sự hiểu nhầm về luật, rằng chỉ vì phần chạm đất của trái bóng đã qua vạch vôi thì đó là bóng ngoài cuộc. Như thế không đúng, vì phải tính cả độ cong của trái bóng nữa. Chúng tôi thường xuyên thấy việc này với những cú phạt góc, khi bóng vượt qua vạch vôi nhưng không hẳn là qua vạch vôi. Trong tình huống của đội Nhật Bản, VAR phải tìm bằng chứng để cho trọng tài biết rằng bóng đã hoàn toàn ra ngoài sân. Nhưng theo những gì chúng ta thấy thì không có bằng chứng đó”.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/luat-fifa-noi-the-nao-ve-viec-bong-lan-qua-bien-nhu-tinh-huong-truoc-ban-thang-cua-nhat-ban-post1491539.tpo