Luật Đầu tư công sẽ tạo sức ép khiến các bộ ngành, địa phương tăng giải ngân vốn?

'Luật đầu tư công (sửa đổi) quy định không giải ngân vốn đầu tư công hai năm mà chuyển sang giải ngân một năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị thu hồi. Đây là sức ép để các bộ ngành, địa phương phải chỉnh kế hoạch linh hoạt nhằm thúc đẩy giải ngân cao hơn', ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT) nói.

Ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Ảnh: MPI

Ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Ảnh: MPI

Bộ KH-ĐT chuyển sang “hậu kiểm”các dự án đầu tư công?

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ KH-ĐT ngày 27.6, trả lời báo chí về việc Quốc hội sẽ phê chuẩn danh mục đầu tư công hằng năm thì Bộ KH-ĐT có giải pháp gì để có thể giám sát được tình trạng giải ngân, ông Trần Quốc Phương cho hay, liên quan đến Dự án Luật đầu tư công, trong phiên thảo luật về Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng quyết định lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội theo 2 phương án về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công trung hạn.

Phương án 1: Quốc hội quyết định, phương án 2: Chính phủ quyết định. Kết quả lấy phiếu cả 2 phương án đều không quá bán nên không được chấp nhận.

Trong quá trình tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, UB Thường vụ Quốc hội chỉ đạo theo hướng 2 phương án đều không được tiếp thu thì sẽ giữ nguyên như luật hiện hành.

Theo quy định của luật hiện hành, việc quyết định giao kế hoạch bao gồm cả danh mục đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vậy theo luật mới thì giữ nguyên chỉ chỉnh lý về mặt thời gian, Quốc hội thời kỳ nào quyết định đầu tư công trung hạn thời kỳ đó.

Do vậy chỉ điều chỉnh về mặt thời gian từ năm thứ năm của kế hoạch trung hạn giai đoạn trước sang năm đầu tiên của kế hoạch trung hạn giai đoạn sau, còn thẩm quyền thì giữ nguyên là Thủ tướng Chính phủ.

Theo cách thức như hiện nay của Luật Đầu tư công (sửa đổi) thì Bộ KH-ĐT sẽ làm gì khi đã phân cấp hoặc trao quyền và sửa đổi rất nhiều? Ông Trần Quốc Phương cho rằng nhiệm vụ của Bộ KH-ĐT vẫn rất nhiều và nặng nề, không những là cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội mà còn trực tiếp giao kế hoạch trung hạn và hằng năm.

Đến nay, theo quy định của Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ KH-ĐT không làm việc đó nữa mà chuyển sang cách tiếp cận mới là cách tiếp cận hậu kiểm.

Điều này có nghĩa là giám sát sau khi các bộ ngành, địa phương đã quyết định đầu tư dự án và trong quá trình hậu kiểm đó có phát hiện ra những vấn đề phát sinh chưa đúng với quy định của pháp luật, thì Bộ KH-ĐT sẽ có thẩm quyền báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý với các vấn đề vi phạm.

Trách nhiệm khi thực hiện dự án để xảy ra sai phạm thì sẽ là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương.

Như vậy, ông Phương cho rằng định hướng, quan điểm và mục tiêu khi xây dựng Luật Đầu tư công đã được thể hiện rõ trong luật lần này và có rất nhiều điểm mới, trong đó phần phân cấp và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thực hiện dự án được đẩy mạnh.

Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%

Đối với câu hỏi có khẳng định được tỷ lệ giải ngân tăng lên hay không? Ông Trần Quốc Phương cho biết, có 2 nội dung về tỷ lệ giải ngân được Chính phủ rất quan tâm, đó là tốc độ giải ngân giữa đầu năm và cuối năm và tỷ lệ giải ngân của cả năm đấy.

Trước hết, theo ông Phương, cần cố gắng làm sao để tốc độ giải ngân của đầu năm tương đối khá so với cuối năm. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, liên quan đến đặc thù của đầu tư công phải thực hiện trong thời gian dài mới có khối lượng thực hiện để giải ngân.

Do vậy việc khắc phục giải ngân đầu năm cao tương đương với các tháng cuối năm là vấn đề khá khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các giai đoạn trước thì đến đầu năm mới có khối lượng để giải ngân.

Liên quan đến tỷ lệ giải ngân hằng năm, hằng năm vẫn đang giải ngân xoay quanh con số 80% kế hoạch được giao, quyết tâm của Chính phủ là tỷ lệ giải ngân đạt 100%, tức là giao vốn thì phải giải ngân hết.

Theo ông Phương, việc giải ngân hằng năm của một dự án phụ thuộc vào rất nhiều quy định, trong đó đầu tư công chỉ là một, ngoài ra còn có quy định Luật Đất đai trong giải phóng mặt bằng, Luật Xây dựng trong việc thiết kế, quy định của Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu, quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong việc hồ sơ ra kho bạc giải ngân…

Do vậy đối với vướng mắc của nhiều luật để giải quyết trong một luật là rất khó để khả thi cần có sự đồng bộ. Tuy nhiên về khía cạnh Luật Đầu tư công cũng đã giải quyết tốt nhất để giải ngân cao hơn so với năm trước đây, đó là trong việc điều chỉnh kế hoạch.

Hiện nay theo Luật Đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư công hằng năm muốn điều chỉnh kế hoạch thì các bộ, ngành, địa phương phải trình cấp có thẩm quyền, nếu điều chỉnh trong nội bộ ngành thì Bộ KH-ĐT điều chỉnh giữa ngành nọ và ngành kia phải trình Thủ tướng, và điều chỉnh từ bộ nọ sang bộ kia phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với mỗi lần trình lên cấp có thẩm quyền như vậy thời gian ký, xem xét, thẩm tra, phê duyệt mất nhiều thời gian. Luật Đầu tư công mới đã linh hoạt hơn. Đối với kế hoạch hằng năm, việc điều chỉnh từ dự án này sang dự án kia do thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị quyết định, đó là người đứng đầu bộ cơ quan trung ương và chủ tịch UBND các cấp.

“Theo quy định của Luật Đầu tư công (sửa đổi), không giải ngân vốn đầu tư công 2 năm mà chuyển sang giải ngân một năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị thu hồi. Đây là sức ép để các bộ, ngành, địa phương phải chỉnh kế hoạch linh hoạt nhằm thúc đẩy giải ngân cao hơn”, ông Phương nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/luat-dau-tu-cong-se-tao-suc-ep-khien-cac-bo-nganh-dia-phuong-tang-giai-ngan-von-115977.html