Luật đất đai rất nhiều bất cập, hi vọng không 'xin lùi, xin rút' nữa

'Cử tri đã phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút', đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh). Ảnh Nhật Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh). Ảnh Nhật Minh

Luật Đất đai năm 2013 là một trong những luật có phạm vi bao trùm lớn nhất và liên quan đến đời sống của hầu hết người dân. Sau nhiều năm thực hiện, Luật Đất đai đã có nhiều điểm bất cập. Trong kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhắc lại “món nợ” sửa đổi Luật Đất đai khi đánh giá lại hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Sáng 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nhiệm kỳ của Chính phủ và Chủ tịch nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo của Chủ tịch nước, của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ rất thẳng thắn và khá toàn diện, sát với nhiệm vụ thực hiện, có tính tổng kết rất cao. Có thể thấy rằng Chính phủ hoạt động trong thời gian vừa qua có sự hỗ trợ kịp thời, tạo không gian rất tốt để Chính phủ thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động, theo bà Tâm, việc huy động được sức dân, tạo được niềm tin trong nhân dân để khắc phục những khó khăn của đất nước, cùng chung sức, chung lòng để xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh khó khăn là điều rất trân trọng. Tuy nhiên, theo đại biểu, có thể Chính phủ có sự chỉ đạo rất quyết liệt, có kiểm tra nhưng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đi vào cuộc sống không nhanh, đôi lúc còn trì trệ.

“Đây là vấn đề không phải mới, cho nên tôi mong Chính phủ nhiệm kỳ tới phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn và kỷ cương hơn nữa để tạo ra sự đồng bộ, thông suốt, liên kết trong toàn hệ thống chính quyền để đạt được những điều mà mình mong muốn”, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nêu.

Đại biểu Quyết Tâm đề nghị trong thời gian tới cần giải quyết kiến nghị của người dân triệt để hơn, đồng bộ hơn, kéo dài sẽ làm mất lòng tin của nhân dân. Bên cạnh đó, Chính phủ phải quyết tâm trong sửa đổi Luật Đất đai, bởi vì hiện nay Luật Đất đai có rất nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, của người sử dụng đất.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng, đây là một nhiệm kỳ Chính phủ thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài.

“Chính phủ đã lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế trong hoàn cảnh vừa chống dịch, vừa phát triển đất nước. Hình ảnh nhiều lãnh đạo cấp cao trực tiếp chỉ đạo nơi tuyến đầu chống dịch đã để lại trong lòng nhân dân biết bao tình cảm mến phục”, bà Bé cho hay. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong nhiệm kỳ này vẫn còn những hạn chế, trong đó có công tác xây dựng pháp luật.

“Đây là một vấn đề đã được rất nhiều đại biểu trước tôi phát biểu. Tôi thấy báo cáo Chính phủ đã nêu về tình trạng xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều.

Trong khi đó nhiều dự án có trong chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc xin rút ra khỏi chương trình. Việc chuẩn bị một số dự án, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Tôi cho rằng Chính phủ đã mạnh dạn nhìn nhận đúng hạn chế này. Tuy nhiên, việc nhìn nhận và việc tổ chức khắc phục là một vấn đề tôi đề nghị Chính phủ cần phải quan tâm”, đại biểu Bé đề nghị.

Theo đại biểu đoàn Kiên Giang, tồn tại này không phải chỉ mới xảy ra trong nhiệm kỳ này mà nó đã diễn ra ở rất nhiều nhiệm kỳ trước. Tổng kết nhiệm kỳ trước đã nói đến hạn chế trên nhưng nhiệm kỳ này theo báo cáo thì số liệu không giảm. Trong khi đó, việc phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, của người đứng đầu trong trình dự án luật chưa được làm rõ.

Việc xin lùi, xin rút dự án ra khỏi chương trình khi trình ra mỗi kỳ họp chỉ thấy lý do là do chuẩn bị không kịp, do nội dung chưa đạt yêu cầu mà chưa phân tích tính cấp bách của pháp luật. Chính vì vậy, nhiều lĩnh vực trong quản lý nhà nước còn gặp khó khăn khi cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có nội dung pháp luật chưa được điều chỉnh.

Đại biểu dẫn chứng Luật Đất đai mà nhiều đại biểu đã đề cập. Theo bà Bé, đây là luật có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân, nhiều khó khăn phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đặc biệt vấn đề này nóng bỏng khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai. Nguyên nhân khiếu kiện tôi cho một phần là do pháp luật.

“Cử tri đã phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khóa XV tới đây cần quan tâm có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện các giải pháp được nêu trong báo cáo, để khắc phục được hạn chế này, nhất là đối với Luật Đất đai, tôi hy vọng rằng sẽ không có tên trong danh sách xin lùi thời gian trình sửa luật”, đại biểu Kim Bé bày tỏ.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luat-dat-dai-rat-nhieu-bat-cap-hi-vong-khong-xin-lui-xin-rut-nua-post1323975.tpo