Luật Cảnh sát biển quy định rõ trường hợp được nổ súng vào tàu thuyền

Luật Cảnh sát biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua chiều 19/11, trong đó quy định cụ thể các trường hợp mà chiến sĩ được nổ súng vào tàu thuyền trên biển.

Dự án luật gồm 8 chương, 41 điều được 467/468 biểu quyết tán thành thông qua (chiếm 96,29% tổng số đại biểu) nêu rõ: Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau:

Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn; Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự cố tình chạy trốn.

Trường hợp nổ súng theo quy định của luật này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật; Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

 Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Thông qua Luật Chăn nuôi

Cũng trong chiều nay, với 93,61% đại biểu tán thành, Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, gồm 08 chương, 83 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Nội dung Luật chăn nuôi quy định cụ thể về công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; Thức ăn chăn nuôi; Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi;Chăn nuôi động vật khác; Đối xử nhân đạo với vật nuôi; Quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Đáng chú ý, Điều 71 của Luật Chăn nuôi quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ.

Thông qua Luật Trồng trọt

Với 455 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 93,81% tổng số đại biểu, chiều nay Quốc hội cũng đã chính thức thông qua thông qua Luật Trồng trọt.

Gồm 7 chương, 85 điều, Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng;

Luật cũng quy định về việc bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp;

Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước; quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống cây trồng; xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; điều kiện sản xuất phân bón; sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác; trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Trồng trọt.

Luật Trồng trọt sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/luat-canh-sat-bien-quy-dinh-ro-truong-hop-duoc-no-sung-vao-tau-thuyen-619805/