Luật cần có quy định thúc đẩy các tài nguyên giáo dục mở

Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội vừa tọa đàm tham vấn chuyên gia về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có nội dung liên quan đến giáo dục thường xuyên.

Hòn đá tảng của xã hội học tập

Các đại biểu nhận định, hiện nay có nhiều cách hiểu về khái niệm “giáo dục thường xuyên”. Nên định nghĩa như giáo dục thường xuyên là giáo dục được thực hiện khi người học là người lớn, sau khi rời ghế nhà trường, quay trở lại học tập nhằm mục đích hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo dục thường xuyên không nhất thiết phải dẫn tới việc công nhận bằng văn bằng, chứng chỉ.

Giờ học của cô và trò trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Về cơ chế quản lý trong giáo dục thường xuyên, nhiều ý kiến cho rằng, ngày nay, giáo dục thường xuyên được coi là hòn đá tảng của xã hội học tập. Vì vậy, giáo dục thường xuyên không phải là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, mà của toàn xã hội, bao gồm các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, DN, cộng đồng… Sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm trong quản lý của các bên có liên quan là yêu cầu số một trong cơ chế quản lý giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là một điểm yếu và bức xúc dai dẳng trong cơ chế quản lý giáo dục thường xuyên hiện nay. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành còn yếu, kém hiệu quả. Chưa có cơ chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhiều tổ chức xã hội chưa có trách nhiệm hỗ trợ phát triển cơ chế quản lý. Quan hệ hợp tác giữa ngành giáo dục và khu vực sử dụng lao động hầu như không có.
Để khắc phục tình trạng này, Dự Luật cần bổ sung thêm quy định về đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, phát triển giáo dục, nhất là đối với việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Gỡ bỏ rào cản đối với giáo dục
Một vấn đề cũng được quan tâm là, trong bối cảnh giáo dục mở trên thế giới đang phát triển, việc gỡ bỏ các rào cản đối với giáo dục nên chủ yếu tập trung vào phát triển các tài nguyên giáo dục mở và các khóa học trực tuyến mở đại chúng, giúp người học một mặt giảm chi phí trong mua tài liệu học tập, mặt khác tạo điều kiện cho người học có thể tiếp cận các bài giảng chất lượng cao, miễn phí, mọi lúc, mọi nơi. Các chuyên gia cho rằng, điều đó mở đường cho bước phát triển mới của giáo dục thường xuyên để bất kỳ ai cũng có thể học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức kỹ năng, đáp ứng các đòi hỏi mới của thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu quy định nội dung này được thể hiện trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, Dự Luật nên bổ sung thêm quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư thúc đẩy việc học tập của người lớn, khai thác và phát triển các tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến mở đại chúng, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ vấn đề thống nhất và liên thông giữa các thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật, vấn đề phân luồng sau THCS. Theo ông Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, nội dung về hệ thống giáo dục quy định trong Dự Luật cần trình bày rõ hơn, trong đó làm rõ "mở" ở đâu, liên thông như thế nào, mới có thể có hệ thống giáo dục tốt. TS Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề xuất bổ sung: "Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, phân luồng và liên thông, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên". Bởi yêu cầu về phân luồng là yêu cầu chung của mọi hệ thống giáo dục để bảo đảm có sự đa dạng về nguồn nhân lực theo định hướng hàn lâm và nghề nghiệp.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/luat-can-co-quy-dinh-thuc-day-cac-tai-nguyen-giao-duc-mo-321212.html