Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung thế nào?

Từ ngày 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã chính thức có hiệu lực thi hành. Nhằm cập nhật những thông tin mới được sửa đổi, bổ sung của Luật tới cán bộ, công chức, viên chức, sáng nay (9/7), tại hội trường Thành ủy Hà Nội, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)'.

Đây là hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô, Công đoàn Viên chức Thành phố chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2020) và thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố Hà Nội.

Đến dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Phạm Bá Vĩnh – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội – Chủ tịch Công đoàn Viên chức Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành Thành phố; Liên đoàn lao động các quận, huyện, ngành, các Ban của Liên đoàn lao động Thành phố; cùng gần 500 các bộ công chức, viên chức, người lao động đến từ các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tham gia giải đáp mọi câu hỏi của cán bộ công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia: Vũ Minh Huyền – Phó trưởng phòng xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội.

Lãnh đạo Công đoàn Viên chức Hà Nội, báo Lao động Thủ đô tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia.

Lãnh đạo Công đoàn Viên chức Hà Nội, báo Lao động Thủ đô tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia.

10h10

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết, Báo Lao động Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, diễn đàn của công nhân viên chức lao động Thủ đô. Với vai trò của mình thời gian qua, Báo đã tích cực phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức nhiều cuộc giao lưu trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động.

Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, từ 1/7 Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới thay đổi, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với mong muốn giúp người lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ Luật Cán bộ công chức, viên chức (sửa đổi, bổ sung), báo Lao động Thủ đô đã mời các chuyên gia là những người rất am hiểu các lĩnh vực này, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà người lao động quan tâm.

Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

10h15: Bắt đầu đặt câu hỏi giao lưu

Chị Quản Phương Dung, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý Đường sắt đô thị: Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi thì ngoài thi tuyển sẽ có một số trường hợp được xét tuyển là công chức, xin chuyên gia cho biết, cụ thể những trường được xét tuyển là trường hợp nào? Con gái tôi tốt nghiệp xuất sắc đại học thì có thể được xét tuyển vào công chức hay không?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện nay quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển.

Chuyên gia Vũ Minh Huyền

Theo Luật sửa đổi, bổ sung mới có quy định ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.

Không chỉ vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp: Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức; tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…; người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác

Đối với trường hợp con chị đang nằm trong các trường hợp xét. Tuy nhiên vẫn cần đợi Nghị định hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa.

Bà Trần Tuyết Mai, Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội: Tôi xin được giải đáp 3 vấn đề: hứ nhất, cán bộ viên chức đã ký hợp đồng với đơn vị, sau khi đơn vị chuyển sang tự chủ thì quyền lợi của cán bộ viên chức được hưởng như thế nào? Thứ hai, đối với trường hợp lao động hợp đồng chuyên môn nghiệp vị đã làm việc với đơn vị trên 5 năm thì sau khi đơn vị chuyển sang tự chủ sẽ xử lý như thế nào? Thứ ba, xin chuyên gia cho biết, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức có được xem xét giải quyết nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ khác không?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Hà Nội đang có hơn 200 đơn vị hiện nay chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đảm bảo hỗ trợ chi phí một phần hoặc toàn phần chuyển sang đơn vị tự chủ, quyền lợi của cán bộ viên chức vẫn sẽ được hưởng theo chế độ chính sách hiện nay được đảm bảo theo quy định của Chính phủ.

Với trường hợp lao động hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ đã làm việc với đơn vị trên 5 năm thì sau khi đơn vị chuyển sang tự chủ, các đơn vị vẫn ký hợp đồng làm việc như bình thường.

Luật mới quy định khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vi phạm sẽ bị kỷ luật, không được phép bổ nhiệm, không được phép nghỉ hưu.

Các chuyên gia trả lời những thắc mắc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức cũng như bạn đọc trực tuyến gồm: Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội.

Một bạn đọc hỏi qua hộp thư điện tử: Việc thể hiện thông tin ghi trên thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc của người lao động (thời điểm đủ 5 năm liên tục) có ý nghĩa như thế nào? Khi người lao động đã đóng bảo hiểm y tế, đủ từ 5 năm liên tục khi thanh toán viện phí hay sử dụng các dịch vụ y tế có chế độ gì khác biệt so với người mới tham gia bảo hiểm y tế không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là thế nào là 5 năm liên tục, có nghĩa rằng người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm y tế phải liên tục không được ngắt quãng quá 3 tháng. Khi người lao động đã đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục thì phía cuối thẻ bảo hiểm y tế sẽ được in dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục”. Về quyền lợi của người lao động trong trường hợp này là người lao động sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và sẽ không cần tiếp tục áp dụng cùng bảo hiểm xã hội chi trả chi phí khám chữa bệnh đến hết năm dương lịch.

Ông Trương Anh Quân - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung cấp Kinh tế, Tài chính Hà Nội: Một trong những cải cách về chính sách tiền lương từ năm 2021 là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm”. Vậy trả lương theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức thế nào?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Nếu theo lộ trình của Nghị quyết 27-NQ/TW thì năm 2021 sẽ thực hiện trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm nhưng do xảy ra dịch Covid-19 nên tạm thời sẽ chưa thực hiện.

Cụ thể của việc trả lương theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức như sau: Công chức, viên chức sẽ có 2 bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo từ năm 2021 trở đi: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Thông qua đó, cần phải đảm bảo các nguyên tắc xếp lương như sau: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị: giữ chức vụ lãnh đạo nào thì được hưởng lương theo chức vụ đó, nếu giữ nhiều chức vụ thì chỉ được hưởng mức lương chức vụ cao nhất…; cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề…

Gần 500 cán bộ, công chức, người lao động đến từ các đơn vụ trên địa bàn thành phố tham gia buổi giao lưu.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp): Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm 5 bảng lương.

Đồng thời, trong Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng khẳng định việc xác định lương như hiện nay không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, việc cải cách tiền lương là yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện.

Hiện nay, lương công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo nguyên tắc: Công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thuộc ngành Tòa án, ngành Kiểm sát thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó; Công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó.

Chị Quảng Phương Dung (Phó Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị) đặt câu hỏi

Đặng Minh Vệ, Phó Chủ tịch Bảo tàng Hà Nội: Trong Luật sửa đổi có đề cập đến việc đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Vậy công việc và sản phẩm cụ thể ở đây có thể hiểu như thế nào?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Trước đây các cơ quan thực hiện đánh gia công chức, viên chức theo hình thức đánh giá từng tháng, việc đánh giá dựa trên việc thực hiện nhiệm vụ. Từ 1/7 nội dung này được quy định tại Luật sửa đổi, việc đánh giá sẽ được lượng hóa. Ví dụ công chức, viên chức phải xây dựng kế hoạch làm việc hang tuần, hàng tháng, việc đánh giá dựa trên chất lượng công việc, có thực hiện đầy đủ, đúng chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra hay không.

Anh Nguyễn Công Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Sở Tư pháp: Theo Luật Viên chức sửa đổi thì những người tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 sẽ có ký hợp đồng và hợp đồng có thời hạn tối đa 60 tháng và sẽ không có chế độ biên chế xuất đời. Nếu vậy, công tác tuyển dụng sẽ diễn ra như thế nào và cơ quan nào có thẩm quyền tuyển dụng?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Luật viên chức mới đã bỏ biên chế suốt đời. Đối với công tác tuyển dụng có những thay đổi cụ thể, tuy nhiên, hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố cho phép các đồng chí thủ trưởng tại các đơn vị tự chủ được phép tuyển dungh, còn đơn vị chưa tự chủ thì sẽ do cơ quan cấp trên tuyển dụng. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng dự thảo chi tiết để về công tác tuyển dụng này.

Chị Trần Tuyết Mai (Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội) đặt câu hỏi

Chị Vương Thị Lý, Chủ tịch Công đoàn Thư viện Hà Nội: Hợp đồng ký với viên chức có xác định thời hạn tối đa là bao nhiêu năm và trường hợp viên chức đã có hợp đồng không xác định thời hạn nhưng tiếp tục làm việc qua ngày 1/1/2021 thì hợp đồng đó tiếp tục có hiệu lực hay phải thay đổi thành hợp đồng có thời hạn?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 - 60 tháng.

Hợp đồng xác định thời hạn áp dụng đối với người mới trúng tuyển vào viên chức kể từ ngày 01/7/2020. Còn hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng đối với Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, với viên chức đã ký hợp đồng làm việc trước ngày 01/7/2020 thì vẫn được bảo đảm các quyền lợi và giữ nguyên các chế độ: Nếu đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì vẫn tiếp tục thực hiện loại hợp đồng này; Nếu đã ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng. Sau khi hết thời hạn sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Do đó, nếu sau ngày 01/7/2020, sau khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn bạn sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Anh Trương Anh Quân (Chủ tịch Công đoàn trường Trung cấp Kinh tế, Tài chính Hà Nội) đặt câu hỏi

Bạn đọc gửi câu hỏi: Em gái tôi mới sinh xong và ở nhà nội trợ có gửi đóng bảo hiểm nhờ ở một công ty. Khi em tôi sinh xong và hưởng trợ cấp thai sản thì có thể ngừng đóng bảo hiểm tiếp tục được hay không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Việc gửi đóng như vậy hiện nay đang là thực hiện sai quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp như vậy, khi cơ quan Bảo hiểm xã hội tiến hành kiểm tra phát hiện sai phạm hưởng sai chế độ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thu hồi lại. Các trường hợp này chiếu theo điều 214, và 215 của Luật Hình sự có thể quy vào việc gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và có khung xử lý theo Luật hình sự. Việc ngừng đóng hay không theo nguyên tắc là không tham gia làm việc, không có lương tại đơn vị thì không thuộc đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội.

Chị Nguyễn Mai Hương, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Văn hóa xã hội thành phố Hà Nội: Nếu bỏ viên chức suốt đời thì ở đơn vị sự nghiệp công lập người sử dụng lao động có được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang trong thời gian thai sản và nuôi con dưới 36 tháng không?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động. Theo đó, trong thời gian bạn mang thai và nghỉ thai sản, cơ quan bạn đang công tác không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do bạn đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Chị Vũ Thị Hồng Diệp, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội: Xin cho biết phải hiểu cụm từ “chính thức bỏ biên chế suốt đời với viên chức” trong luật mới thế nào cho đúng?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo Luật cũ thì chúng ta có thể hiểu là sau khi ký hợp đồng làm việc lần đầu thì viên chức sẽ được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và sẽ theo chúng ta đến khi chúng ta nghỉ việc. Còn theo Luật mới thì viên chức được tuyển dụng sau 1/7 sẽ chỉ ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa 60 tháng, tiếp theo lại ký hợp đồng như vậy. Về điều này, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về hình thức và nội dung liên quan để thực thi.

Anh Nguyễn Tài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội: Xin chuyên gia cho biết, việc đánh giá công chức, viên chức hàng tháng có ảnh hưởng gì đến việc thi đua khen thưởng cuối năm của cá nhân, đơn vị không?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Trước kia luật quy định việc đánh giá công chức, viên chức theo năm. Ở Luật sửa đổi, bổ sung mới có quy định việc đánh giá công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo tháng, hoặc đánh giá khi nâng lương trước thời hạn, nâng ngạch hoặc thăng hạng. Việc đánh giá công chức, viên chức hàng tháng có tác động đến việc thi đua khen thưởng cuối năm của cá nhân, đơn vị không thì chúng ta cần đợi Nghị định, văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Hà Nội tặng quà cho cán bộ, công chức, viên chức trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Câu hỏi bạn đọc: Phân biệt cán bộ, công chức và viên chức như thế nào?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Cán bộ là người lao động làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, huyện được bầu cử theo nhiệm kỳ, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công chức là người lao động được tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Viên chức là người lao động được tuyển dụng trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng sử dụng hợp đồng lao động có thời hạn, Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chị Huỳnh Phương Linh, cán bộ công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hỏi: Theo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, sẽ có những hình thức kỷ luật nào đối với cán bộ công chức, viên chức?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Ngày 01/7/2020 là thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức có hiệu lực kéo theo nhiều chính sách mới dành cho viên chức cũng chính thức được áp dụng, trong đó có quy định về kỷ luật cán bộ công chức viên chức. Theo đó, quy định về kỷ luật viên chức được “siết chặt” hơn.

Cụ thể, Luật trước đây quy định, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, thời hiệu kỷ luật viên chức là 24 tháng; kể từ khi phát hiện vi phạm, thời hạn kỷ luật viên chức là không quá 02 tháng, nếu có tình tiết phức tạp thì thời hạn kỷ luật không quá 04 tháng. Trong đó, thời hiệu kỷ luật là thời hạn mà hết thời hạn đó viên chức có hành vi vi phạm không bị xem xét kỷ luật; Thời hạn kỷ luật là khoảng thời gian từ khi phát hiện vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật. Có thể thấy, thực tế có nhiều trường hợp, hành vi vi phạm tinh vi, vô cùng phức tạp, thời hạn và thời hiệu kỷ luật nêu trên còn quá ngắn, khiến việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ vào thực tiễn này, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cũng như thời hạn xem xét kỷ luật. Cụ thể, khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi nêu rõ: Thời hiệu kỷ luật: 02 năm với trường hợp vi phạm đến mức bị kỷ luật khiển trách; 05 năm với các trường hợp còn lại. Thời hạn kỷ luật: Không quá 90 ngày. Nếu phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Đồng thời, Luật sửa đổi còn bổ sung thêm trường hợp không áp dụng thời hiệu kỷ luật nghĩa là viên chức vi phạm các hành vi sau đây sẽ bị kỷ luật “bất cứ lúc nào”: Vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp. Từ các phân tích trên, có thể thấy, việc kỷ luật viên chức từ 01/7/2020 sẽ bị “siết” hơn rất nhiều so với các quy định hiện nay nhằm mục đích không bỏ lọt các hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng vi phạm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Trung tâm quan trắc Tài nguyên môi trường Hà Nội: Xin chuyên gia cho biết, theo Luật cán bộ công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019, những trường hợp viên chức nào có biên chế suốt đời?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Sau 1/7/2020 sẽ không có khái niệm biên chế suốt đời với viên chức. Viên chức làm việc dựa trên cơ sở hợp đồng làm việc. Theo điều 25 Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 có quy định như sau:

Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người trúng tuyển vào viên chức, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật này.

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật này.

Anh Nguyễn Công Anh (Phó Chủ tịch Công đoàn Sở Tư pháp Hà Nội) đặt câu hỏi

Chị Nguyễn Thị Hiếu, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội: Tôi muốn hỏi về tiêu chuẩn chứng chỉ tiếng Anh và tin học. Được biết từ năm 2014 có Thông tư của Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Thông tin và truyền thông, theo đó quy định không còn theo tiêu chuẩn A,B,C nữa. Vậy, những người có chứng chỉ A,B,C trước thời điểm năm 2014, khi sát hạch chuyển viên chức sang công chức thì có giá trị không?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Năm 2019, đã có văn bản quy định cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố một số đơn vị đủ điều kiện để cấp chứng chỉ ngoại ngữ bao gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Đại học Ngoãi ngữ - Đại học Đà Nẵng; Đại học Thái Nguyên; Đại học Sư phạm Hà Nội được cấp chứng chỉ khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương khung tham chiếu Chấu Âu. Các chứng chỉ cũ không còn hiệu lực đối với kỳ thi xét tuyển từ viên chức sang công chức nữa.

Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Hà Nội Đặng Văn Hải tặng quà cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia giao lưu.

Anh Trần Quốc Hùng, Công đoàn Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội: Cơ quan nhà nước có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với viên chức trong thời gian người đó đang thử việc hay không không?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: “Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự”.

Theo đó, khi được tuyển dụng, viên chức sẽ có thời gian tập sự để làm quen với vị trí việc làm được tuyển dụng trong thời gian từ 03 tháng - 12 tháng và nếu sau thời gian này, viên chức không đạt yêu cầu thì đơn vị sự nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Như vậy, viên chức đang trong thời gian đang thử việc thì không bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Sau hơn 2 giờ Giao lưu trực tuyến hơn 20 câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/luat-can-bo-cong-chuc-va-luat-vien-chuc-duoc-sua-doi-bo-sung-the-nao-110185.html