'Luật Biên phòng Việt Nam ra đời là một kết quả tất yếu'

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội 3 khóa VIII, IX, X. Ông là một vị tướng dạn dày trận mạc, với 70 năm tuổi Đảng, là con người luôn sống trọn nghĩa, vẹn tình đối với đồng chí, đồng đội, với những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Ông đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng về vấn đề Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BVBGQG), xây dựng BĐBP trong tình hình mới.

Phóng viên Báo Biên phòng trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Kim Nhượng

Phóng viên Báo Biên phòng trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Kim Nhượng

- Thưa Trung tướng, được biết, ông từng trải qua nhiều cương vị chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và 2 cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Từng giữ cương vị là Tư lệnh Quân khu 4, vậy, ông có đánh giá như thế nào về BĐBP?

- BĐBP là một lực lượng không thể tách rời QĐND Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, BĐBP đã mang sứ mệnh riêng của mình và được Bác Hồ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Là đơn vị chủ trì phối hợp với các ngành, lực lượng trên địa bàn và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới; duy trì thực hiện các hiệp định, quy chế và pháp luật về biên giới; phát hiện, đấu tranh với các hoạt động vi phạm và chống phá của các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Biên phòng, quan hệ với các cơ quan hữu quan các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề về quan hệ biên giới nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, góp phần tạo môi trường ổn định, phát triển và phục vụ đắc lực cho chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế.

Đặc biệt nhất, theo tôi, đây là lực lượng gần dân, có uy tín với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho BĐBP. Tôi còn nhớ, năm 2017, tôi có chuyến đi ra thăm cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa, chứng kiến điều kiện sống, công tác của những người lính Biên phòng, những người lính Hải quân, bản thân tôi rất xúc động về ý chí vượt lên mọi khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa, hay nơi biên giới xa xôi. Sau chuyến đi, khi trở về, trong một buổi tiếp xúc cử tri của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã xin đề nghị gặp riêng đồng chí Tổng Bí thư, để bày tỏ tâm tư của mình đối với những người lính đang ngày đêm canh giữ biên cương, biển đảo và nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Quân đội phải nghiên cứu làm sao để cán bộ, chiến sĩ có chế độ thật xứng đáng, từ đó thôi thúc, động viên họ yên tâm công tác.

- Thưa Trung tướng, trong đánh giá của mình, ông cho rằng, BĐBP là lực lượng chủ chốt trong Chiến lược BVBGQG. Vậy, trong thời gian tới, BĐBP cần làm gì để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả đó?

- Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược BVBGQG. Tôi cho rằng, đây là một chiến lược quan trọng, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng, quản lý, BVBGQG trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước tiên, chúng ta phải xác định một điều, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, được xây dựng và bảo vệ vững chắc trong cả thời chiến lẫn thời bình, cũng như kế thừa kinh nghiệm, truyền thống dựng nước, giữ nước, bảo vệ biên cương, bờ cõi của dân tộc. BVBGQG phải thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, BVBGQG trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế. Chiến lược BVBGQG ra đời là bước phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện tốt vai trò nòng cốt, BĐBP thực hiện tốt vai trò chuyên trách trong quản lý, BVBGQG. Một trong những quan điểm chỉ đạo có tính chất đặc biệt quan trọng, nhân tố quyết định đến cùng thắng lợi của sự nghiệp BVBGQG mà Chiến lược xác định là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Với quan điểm này, Chiến lược đã nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường, củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị ở các địa phương, nhất là trên các vùng biên giới trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở nền tảng để xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thường xuyên chăm lo, củng cố niềm tin của nhân dân, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo sinh sống; chủ động nắm chắc địa bàn, dân cư, đời sống của nhân dân để tham mưu, đề xuất, giúp địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Tôi cho rằng, BĐBP đang làm rất tốt điều đó, qua việc bám dân, sống, chiến đấu cùng nhân dân các dân tộc trên biên giới.

Thực tiễn cho thấy, BĐBP có rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”... Muốn có được thành quả và hoàn thành nhiệm vụ quản lý, BVBGQG có nhiều yếu tố tạo nên, nhưng chủ chốt nhất, xương sống nhất vẫn là bám dân, gần dân, dựa vào dân để xây dựng thế trận bảo vệ biên giới. Mỗi người dân phải là một “cột mốc sống”, là tai, là mắt của chúng ta, đó là vấn đề then chốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.

- Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) đã tổng hợp các ý kiến, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Có một số ý kiến cho rằng, Luật BPVN đưa ra sẽ chồng chéo với các luật khác. Ý kiến của cá nhân ông như thế nào?

- Theo tôi, Luật BPVN ra đời là một kết quả tất yếu. BĐBP đã trải qua hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được tôi luyện qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Luật BPVN ra đời không những đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, mà đó còn là mong mỏi của toàn thể đồng bào nhân dân ở khu vực biên giới.
Dự thảo Luật BPVN là cấp thiết, cần sớm được Quốc hội thông qua để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho BĐBP thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, nó mang tính chất lâu dài chứ không phải trước mắt. Còn về quan điểm cho rằng Luật BPVN chồng chéo với các luật khác, tôi cho rằng không chính xác. Trong Dự án Luật BPVN đã quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Dự án luật cũng luật hóa được các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; các nội dung cụ thể để xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân. Mặt khác, cũng nội hóa các điều ước quốc tế về Biên phòng trên các lĩnh vực phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, xây dựng biên giới, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Như vậy, không thể nói rằng Luật BPVN chồng chéo với các luật khác. Tôi luôn tin tưởng rằng, Luật BPVN sẽ được Quốc hội thông qua và những người lính Biên phòng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

- Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-ra-doi-la-mot-ket-qua-tat-yeu-post430956.html