Luật Biên phòng Việt Nam không chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành

Ngày 16-6, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại tổ ngày 19-6, QH sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH, hiện nay, vẫn còn có ý kiến khác nhau về tên gọi Luật BPVN, phạm vi điều chỉnh nhiệm vụ của lực lượng BĐBP lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng bảo đảm về chế độ, chính sách biên phòng. Để làm rõ các vấn đề trên, phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của QH, đại biểu QH tỉnh Bến Tre.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Viết Hà

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Viết Hà

- Thưa đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, tên gọi dự thảo Luật BPVN không phù hợp với phạm vi điều chỉnh. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, tên gọi dự thảo Luật BPVN là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và không thể thay thế. Đây là luật điều chỉnh công tác biên phòng của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chứ không phải điều chỉnh cho lực lượng BĐBP. Hiện nay, chúng ta có Luật Biên giới quốc gia điều chỉnh những vấn đề về biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với các nước có đường biên giới chung, quy định về quy chế biên giới quốc gia, bao gồm có đường biên giới, mốc quốc giới, quy định về chế độ đi lại, pháp lý giữa quan hệ hai nước có chung đường biên giới. Tên gọi Luật BPVN là phù hợp, đáp ứng phạm vi điều chỉnh, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

- Có ý kiến cho rằng, Luật BPVN quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP đang có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Dự thảo Luật BPVN có một số vấn đề liên quan đến cách hiểu, chứ dự thảo luật không chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Điều 5 của dự thảo Luật BPVN quy định về nhiệm vụ biên phòng, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, nhân dân, chứ không phải quy định của Bộ Quốc phòng, BĐBP. Điều 14 quy định về nhiệm vụ của BĐBP, thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt trong tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, mốc quốc giới; thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, cửa khẩu... Có ý kiến cho rằng, BĐBP thực hiện tất cả các nhiệm vụ biên phòng là không đúng, lực lượng BĐBP chỉ thực thi nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới.

Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai thực hiện các thủ tục nhận nuôi cháu Tẩn Minh Khải theo Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Viết Hà

Chủ trì thực thi nhiệm vụ biên phòng ở tầm quốc gia là Chính phủ, chủ trì ở địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh, còn BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ biên phòng. Đối với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, không chỉ các tỉnh biên giới thực hiện nhiệm vụ, mà các địa phương nội địa cũng phải tham gia thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, UBND các địa phương.

Trong công tác phối hợp phải có lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp, tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ. Khi BĐBP thực thi nhiệm vụ trên biển sẽ liên quan đến các lực lượng: Cảnh sát Biển, Hải quân. Luật Quốc phòng đã có phân định nhiệm vụ rất rõ, lực lượng Hải quân bảo vệ chủ quyền về quốc phòng, BĐBP bảo vệ biên giới, còn Cảnh sát Biển bảo đảm về vấn đề an toàn, an ninh, phòng, chống tội phạm trên biển. Chính phủ, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng quy chế phối hợp để đảm bảo cho các lực lượng phân định rõ trách nhiệm. Trong công tác phòng, chống tội phạm giữa lực lượng BĐBP và các lực lượng chức năng đã có quy định của Luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp bắt giữ tội phạm trên biên giới, BĐBP chủ trì điều tra ban đầu và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện.

Đối với địa bàn cửa khẩu, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới xác định BĐBP có nhiệm vụ: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới, ngăn chặn và xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới”; Điều 49, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: “Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”. Như vậy, trong Luật BPVN, nhiệm vụ của BĐBP không có sự chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác.

- Được biết, ông là người đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Trong các chuyến công tác đến với biên giới, ông có ấn tượng gì về lực lượng BĐBP thực thi nhiệm vụ tại đây?

- Tôi may mắn có nhiều dịp đến với mọi miền biên cương của Tổ quốc, đến với đồng bào các dân tộc, được chứng kiến những việc làm của BĐBP giúp đỡ đồng bào các dân tộc. Có thể khẳng định, lực lượng BĐBP đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: Chuyên trách, nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở biên giới, cửa khẩu; củng cố cơ sở chính trị; tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc trên biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh giúp người dân sửa chữa nhà ở. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP vừa vững tay súng, vừa tham gia xóa mù chữ cho đồng bào, vừa làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân; làm bí thư đảng ủy các xã biên giới, được nhân dân tín nhiệm và không quản ngại hy sinh, gian khổ bám dân, giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, BĐBP đã có nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và “Con nuôi đồn Biên phòng”... Ở đâu có BĐBP, ở đó người dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, đó là sự hy sinh to lớn của BĐBP. Ngoài ra, các đồn Biên phòng nhận nuôi, chăm sóc, dạy các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện cắp sách đến trường, đây là những nhân tố quan trọng để phát triển biên giới trong tương lai.

- BĐBP hoạt động ở những vùng khó khăn, gian khổ. Theo ông, hiện nay, chính sách đối với BĐBP đã thực sự đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ?

- Có một điều tôi rất băn khoăn là, hiện nay, đời sống của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang rất khó khăn; nhiều đồn, trạm Biên phòng chưa có điện, nước sinh hoạt. Nhưng điều quý giá là cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn vững vàng bám trụ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống; gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Vì vậy, cần tham mưu với Đảng, Nhà nước đầu tư thỏa đáng, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

- Xin trân trọng cảm ơn ông

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://www.bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-khong-chong-cheo-voi-cac-van-ban-phap-luat-hien-hanh-post429662.html