Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Dự kiến, trong tháng 11-2020, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) sẽ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Luật BPVN ra đời sẽ góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG); kiểm soát cửa khẩu; chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu; hợp tác quốc tế cũng như tập trung xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh. Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV tỉnh Bến Tre.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Viết Hà

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Viết Hà

- Thưa Thượng tướng, Dự án Luật BPVN được ban hành sẽ có những tác động đến công tác quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội ở KVBG. Đề nghị Thượng tướng cho bạn đọc Báo Biên phòng biết rõ hơn về vấn đề này?

- Dự án Luật BPVN được Quốc hội thông qua và ban hành sẽ thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG; xác định rõ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; lực lượng chủ trì, chuyên trách, nòng cốt duy trì an ninh trật tự ở KVBG, cửa khẩu; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG. Phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân xây dựng nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Luật BPVN xác lập hệ thống các hình thức quản lý, bảo vệ BGQG đồng bộ, thống nhất về biện pháp công tác biên phòng bảo vệ BGQG; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm BGQG; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh ở KVBG; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP làm chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG trong tình hình mới.

- Dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có chức năng “Chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” và có quyền hạn “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Chúng ta cần thống nhất nhận thức đầy đủ về những vấn đề trên như thế nào, thưa Thượng tướng?

- Như chúng ta đã biết, nhiệm vụ chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu đã được khẳng định trong thực tiễn hơn 61 năm chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP. Lực lượng BĐBP luôn được xác định là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Mặt khác, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG có nhiều lực lượng tham gia và liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, nên cần có một cơ quan chủ trì đảm bảo nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, BĐBP Cao Bằng tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Ảnh: Viết Hà

Ngoài ra, các văn bản pháp luật hiện hành đã quy định rõ, nhất là quy định trong Luật BGQG; Luật An ninh quốc gia; khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Vậy nên, quy định BĐBP “Chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là đúng, phù hợp với thực tiễn; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại KVBG, cửa khẩu, huy động các lực lượng tham gia nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG một cách hiệu quả.

Đối với quy định BĐBP có quyền kiểm soát, xử lý các phương tiện có dấu hiệu vi phạm ở KVBG, cửa khẩu, quy định này không mới, hiện nay BĐBP đang thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả. Mặt khác, quy định này đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Công an nhân dân; Luật Quốc phòng; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... Thực tiễn BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với người, phương tiện tại các cửa khẩu, cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý (117 cửa khẩu biên giới đất liền, 35 cửa khẩu cảng biển, 2 cảng nội địa, 283 bến cảng, 14 cảng dầu khí ngoài khơi).

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều đường dây, đối tượng lợi dụng cơ chế kiểm soát hàng hóa thông thoáng ở cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép chất ma túy; lâm, thổ sản; vận chuyển vũ khí, chất nổ, pháo nổ trái phép làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia… Trước tình hình đó, BĐBP đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu. Vì vậy, việc quy định nhiệm vụ của BĐBP như dự thảo Luật BPVN là phù hợp với thực tiễn, không có sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của lực lượng khác.

Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Viết Hà

- Thưa Thượng tướng, thời gian tới, BĐBP cần có những chủ trương, giải pháp như thế nào để tiếp tục hoàn thành tốt vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội và kiểm tra, kiểm soát xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu?

- Để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG nói chung và phát huy vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội và kiểm tra, kiểm soát xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cần chủ động, tích cực tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố có biên giới đề xuất với Chính phủ thực hiện đầy đủ chính sách thực thi nhiệm vụ biên phòng, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới, hệ thống đường tuần tra biên giới, hệ thống đồn trạm biên phòng và hiện đại hóa các trang thiết bị bảo vệ biên giới... Đồng thời, cần có những chính sách đặc thù cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP để họ yên tâm công tác, vững tin, bám trụ, cống hiến cho biên cương của Tổ quốc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, ưu tiên và khuyến khích nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở KVBG để phục vụ lâu dài trong lực lượng BĐBP.

Lực lượng BĐBP cần đề ra các chủ trương, biện pháp xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ, chiến sĩ biết vượt qua khó khăn, gian khổ gắn bó với đồng bào các dân tộc ở KVBG, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG, giúp đồng bào nghèo phát triển, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng; tham mưu với chính quyền địa phương khu vực biên giới đẩy mạnh đối ngoại nhân dân xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, lâu dài.

Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hải Phòng, BĐBP thành phố Hải Phòng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh ở khu vực cửa khẩu cảng. Ảnh: Viết Hà

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên biên giới; tham mưu cho chính quyền địa phương trong sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Duy trì hiệu quả các chương trình, mô hình như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân vươn khơi bám biển”; phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”... Từ đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng KVBG phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG.

- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-post434323.html