Luật Biên phòng Việt Nam - cơ sở pháp lý nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp về biên giới quốc gia (BGQG), bảo đảm cơ sở pháp lý nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG xác định:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, cập nhật luật pháp quốc tế, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm, dễ thực hiện, có tính khả thi cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, các LLVT và nhân dân trong xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG. Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện... Quan điểm trên của Đảng là sự chỉ đạo cho việc xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 của Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ bảy về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 8-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; ngày 25-11-2019, Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ chín. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, đến nay, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã hoàn thiện về nội dung và hình thức với 6 chương, 36 điều, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.

Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã hội tụ, tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các cơ quan, ban, ngành, các hội thảo, tọa đàm, khảo sát diễn ra ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với hàng trăm ý kiến tham gia và đều khẳng định: Dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, Luật Biên phòng Việt Nam khi được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới, thể hiện tập trung trong các vấn đề sau:

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP tỉnh Quảng Trị) giúp Trường Mầm non Hướng Lập (Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) dọn vệ sinh sau lũ dữ. Ảnh: Mạnh Hùng.

Một là, củng cố cơ sở pháp lý cho việc nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng của các lực lượng.

Để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng, đòi hỏi các lực lượng phải xác định tường minh các vấn đề cơ bản: Biên phòng, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng hiện hành, các vấn đề trên đã đề cập hoặc chưa được đề cập đến, hoặc đã được khẳng định về thuật ngữ pháp lý song chưa có sự giải thích rõ ràng (Điều 28 Luật BGQG, Điều 15 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BGQG). Điều này gây ra khó khăn trong triển khai các hoạt động cụ thể của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, tại Điều 2, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã giải thích rõ các khái niệm nêu trên.

Đặc biệt, lần đầu tiên nhiệm vụ biên phòng được chính thức quy định trong dự thảo luật, với nội dung: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ BGQG; quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ở khu vực biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới; hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định gồm hai nhóm: Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, tổ chức, đơn vị LLVT nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu và cơ quan, tổ chức, đơn vị LLVT nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Việc quy định các nội dung trên thể hiện tính khoa học, khách quan, được xác lập trên nền tảng khoa học quân sự, khoa học biên phòng, bám sát yêu cầu, đòi hỏi và những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, hướng tới mục tiêu tối cao là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Hai là, củng cố cơ sở pháp lý cho việc nâng cao năng lực phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Nhiệm vụ biên phòng mang tính toàn diện, liên quan đến nhiều lĩnh vực, diễn ra chủ yếu ở địa bàn đặc thù, nên phải được thực thi bởi nhiều chủ thể với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Năng lực tổ chức, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG của các chủ thể trong tình hình mới không chỉ đòi hỏi sự độc lập, chủ động của từng chủ thể thực thi nhiệm vụ biên phòng mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chủ thể với nhau.

Thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp giữa các lực lượng đã mang lại kết quả thiết thực: Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ động ký và duy trì tổ chức thực hiện có hiệu quả 26 quy chế phối hợp với bộ tư lệnh các quân khu, quân chủng và các cơ quan, lực lượng liên quan như: Công an, Hải quan, Kiểm ngư trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG; mỗi năm phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý có hiệu quả hàng nghìn vụ vi phạm biên giới, vi phạm pháp luật xảy ra ở khu vực biên giới, vùng biển của Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác này còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là chưa phát huy tối đa khả năng của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động hợp tác thực thi nhiệm vụ biên phòng; có thời điểm còn để xảy ra sai sót, hiệu quả phối hợp chưa cao. Một trong những nguyên nhân cơ bản của hạn chế là chưa xác lập được cơ sở pháp lý thống nhất, quy định phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam khắc phục vấn đề này thông qua quy định về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó, quy định rõ phạm vi phối hợp đối với từng cơ quan, tổ chức bảo đảm phân định chính xác, rõ nhiệm vụ của từng chủ thể, đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật chuyên ngành, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng xác định rõ nguyên tắc phối hợp của các lực lượng; đặc biệt, quy định cụ thể các trường hợp áp dụng nguyên tắc xử lý vụ việc xảy ra tại địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, không tạo khoảng trống trong xử lý các vụ việc; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, lực lượng, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm.

Ba là, củng cố cơ sở pháp lý cho việc nâng cao năng lực hợp tác quốc tế về biên phòng.

Các vấn đề về biên giới, lãnh thổ quốc gia là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, luôn gắn liền với việc thực hiện thẩm quyền của các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng khác đều quy định các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đây chính là cơ sở để các quốc gia triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về biên phòng.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG xác định: “Mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu... Xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Quan điểm của Đảng là định hướng quan trọng cho việc thiết lập, củng cố cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế về biên phòng. Đồng thời, qua đó khẳng định thành quả thực hiện công tác đối ngoại biên phòng của Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua với những nội dung, hình thức sáng tạo, là nhân tố quan trọng tạo nên sự ổn định, phát triển trên biên giới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam thể chế hóa quan điểm của Đảng bằng các quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về biên phòng; xác định đầy đủ nội dung hợp tác và hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng. Những quy định đó hoàn toàn phù hợp với thực tiễn công tác biên phòng và bảo đảm tính khả thi, hiện đại.

Bốn là, củng cố cơ sở pháp lý cho việc nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng-lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới.

Quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, quan điểm về xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG, dự thảo luật đã luật hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ đội Biên phòng.

Trong đó, dự thảo luật đã khẳng định vị trí của Bộ đội Biên phòng là “LLVT nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới”; có 3 chức năng: Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chức năng trên, Bộ đội Biên phòng có 12 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhóm nhiệm vụ do Bộ đội Biên phòng độc lập, chủ trì thực hiện và nhóm nhiệm vụ Bộ đội Biên phòng tham gia, phối hợp thực hiện. Những nhiệm vụ này được xây dựng, phân định rõ ràng với nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm sự kế thừa những quy định pháp luật về nội dung nhiệm vụ trong Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng đã thực hiện hơn 61 năm qua và bổ sung những nội dung nhiệm vụ mới mà trên thực tế Bộ đội Biên phòng đã thực hiện có hiệu quả, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tôn vinh.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đòi hỏi cần phải thống nhất quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy, trang bị của Bộ đội Biên phòng trong một văn bản có giá trị pháp lý cao. Do đó, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định về hệ thống tổ chức, nêu rõ 3 cấp: Bộ tư lệnh Biên phòng; bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Biên phòng; đồn biên phòng, ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng, hải đội biên phòng. Trang bị của Bộ đội Biên phòng gồm phương tiện quân sự, dân sự; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn... Quy định trong dự thảo luật đã khắc phục triệt để những vướng mắc về cơ cấu tổ chức bộ máy, trang bị của Bộ đội Biên phòng, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện bộ máy, hiện thực hóa chủ trương xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại...

Như vậy, Luật Biên phòng Việt Nam khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra trong xây dựng luật: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, LLVT nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG trong tình hình mới.

Trung tướng ĐỖ DANH VƯỢNG, Chính ủy Bộ đội Biên phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/luat-bien-phong-viet-nam-co-so-phap-ly-nang-cao-nang-luc-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-641624