Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng

Tại Hội nghị Báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư tháng 7-2018 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức ngày 13-7 bằng hình thức trực tuyến, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đã thông tin những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; một số vấn đề nhạy cảm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội xung quanh Luật này tới các báo cáo viên.

Tại Hội nghị Báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư tháng 7-2018 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức ngày 13-7 bằng hình thức trực tuyến, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đã thông tin những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; một số vấn đề nhạy cảm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội xung quanh Luật này tới các báo cáo viên.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết thông tin cá nhân được Luật An ninh mạng bảo vệ chặt chẽ. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Các hành vi như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.

Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng; Chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, Luật An ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết Luật An ninh mạng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam khi sử dụng dịch vụ mạng, cụ thể: Được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu độc xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Được tham gia, thừa hưởng các chính sách về an ninh mạng của Nhà nước như: nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng. Luật tạo căn cứ pháp lý để công dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trên không gian mạng. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng xâm phạm quyền lợi, ích hợp pháp của công dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Triển khai Luật An ninh mạng trong thời gian tới, Cục trưởng Hoàng Phước Thuận cho biết cơ quan chức năng đang tập trung xây dựng các nghị định để hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An ninh mạng; nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính an ninh mạng; nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng; quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cục trưởng khẳng định thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương để tuyên truyền các nội dung của Luật tới nhân dân.

QUỲNH HOA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_192282_luat-an-ninh-mang-khong-kiem-soat-toan-bo-thong-tin-ca-nhan-cua-nguoi-su-dung.aspx