'Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân'

Trả lời công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ ngày 13-7, Bộ Công an khẳng định: 'Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân', 'không gây cản trở hoạt động của DN, tạo giấy phép con'.

Nhiều hoạt động xuyên tạc, chống phá Luật An ninh mạng

Theo Bộ Công an, trong những năm gần đây, các tổ chức phản động và số chống đối trong và ngoài nước đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Lo sợ mất đi không gian hoạt động và không triển khai được các biện pháp vốn đang được sử dụng hiện nay, các tổ chức phản động như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”... và số đối tượng chống đối ráo riết và quyết liệt triển khai các hoạt động chống phá Luật An ninh mạng trước và sau khi Quốc hội thông qua. Mục tiêu là để phủ nhận dự thảo Luật An ninh mạng, ngăn cản Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, hoãn thi hành hoặc thu hồi Luật An ninh mạng.

Cụ thể, lợi dụng hiểu biết chưa đầy đủ về Luật An ninh mạng của nhân dân, núp dưới chiêu trò “tự do ngôn luận” và lợi dụng chủ trương của Đảng về “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng) - các tổ chức phản động, số đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã tiến hành tuyên truyền, xuyên tạc nội dung Luật An ninh mạng.

Các hoạt chống phá tập trung vào việc: Kích động người dân xuống đường biểu tình phản đối Luật An ninh mạng; Tổ chức các chiến dịch viết bài với nội dung xuyên tạc, chống phá, phản đối Luật An ninh mạng; Tổ chức các chiến dịch lấy ý kiến, thu thập chữ ký của công dân kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Sản xuất các video, clip và mời số đối tượng tự xưng là chuyên gia công nghệ, chuyên gia quản lý Nhà nước bình luận với nội dung xấu về Luật An ninh mạng.

Ngay sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, hoạt động chống phá Luật càng trở lên quyết liệt. Các tổ chức phản động và số đối tượng chống đối liên tục tự tổ chức quay các video, clip, trích dẫn thông tin sai lệch, lồng ghép, xuyên tạc nội dung phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, hô hào, kích động quần chúng nhân dân phản đối Luật An ninh mạng.

Theo Bộ Công an, mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành, nhưng do đây là đạo Luật có quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng nên vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về nội dung của Luật.

Đối tượng xấu đã lợi dụng để tuyên truyền, kích động biểu tình, chống phá Luật An ninh mạng hòng hướng lái dư luận theo hướng bất lợi với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ được tiếp cận thông tin người dùng nếu có hành vi vi phạm

Thông tin của cá nhân có hoạt động vi phạm pháp luật là một trong những loại dữ liệu quan trọng để lực lượng bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Theo Bộ Công an, trước các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, yêu cầu bảo đảm cơ sở, điều kiện để điều tra, xử lý nhanh chóng, hiệu quả của lực lượng bảo vệ pháp luật là cần thiết, cấp bách, trong đó có trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước.

Điểm a, khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định: “DN trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.

Như vậy, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các thông tin trên không gian mạng cho rằng, Luật An ninh mạng yêu cầu DN phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư cho cơ quan chức năng là không chính xác.

Luật An ninh mạng cũng đã quy định rõ, chỉ trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng. Các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Luật An ninh mạng không cản trở hoạt động của doanh nghiệp

Theo Bộ Công an: Trong 7 quy định liên quan tới trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trên không gian mạng trong Luật An ninh mạng, không có quy định nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của DN. Cũng không có quy định nào yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải có giấy phép con mới được phép hoạt động. Ngoại trừ việc phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và một số trách nhiệm được quy định cụ thể trong Điều 41 liên quan tới cảnh báo, khắc phục, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các DN không phải chấp hành nghĩa vụ nào khác đối với hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, cũng không có quy định nào về an ninh mạng trong Luật An ninh mạng quy định về hoạt động thành lập DN, khởi nghiệp, đầu tư, mua bán, kinh doanh của DN.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/luat-an-ninh-mang-khong-kiem-soat-toan-bo-thong-tin-ca-nhan-cua-cong-dan-118853.html