Luật An ninh mạng đảm bảo quyền con người, quyền công dân

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng với 86,86% tổng số đại biểu tán thành. Luật có 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Luật An ninh mạng góp vai trò quan trọng để người dân nhận được những thông tin chính xác, lành mạnh. Ảnh: CTV

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không gian mạng có tác động sâu rộng trong mọi mặt đời sống xã hội. Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới mọi chủ thể, khách thể như độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm đầy đủ các nội dung liên quan tới an ninh mạng trong phạm trù an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như bị đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vu khống, làm nhục, công kích, bôi nhọ...

Báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có hơn 4.035 sự cố tấn công mạng, với khoảng hơn 600.000 máy tính bị nhiễm mã độc, xếp thứ 4 trong 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma. Nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang website của cơ quan Chính phủ, hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu với mục đích phá hoại hoặc đánh cắp thông tin. Đặc biệt, các hoạt động tấn công, xâm nhập trái phép hệ thống mạng máy tính các ngân hàng, tổ chức tín dụng, sân bay ngày càng gia tăng. “Nếu hệ thống máy chủ các hãng hàng không quốc gia, hệ thống tài chính, ngân hàng, các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ bị tấn công, chiếm quyền điều khiển hoặc bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế nào? Vì vậy, Luật An ninh mạng ra đời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn” - đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng: "Quyền công dân đã được Hiến định, người dân không bị ảnh hưởng hay bị giám sát hoạt động của mình trên không gian mạng, không đi sâu vào quyền riêng tư cá nhân, không có rào cản nào đối với các doanh nghiệp”...

Qua trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội, các ý kiến đều cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền làm chủ của người dân, công tác đối ngoại, thu hút đầu tư được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) cho hay, việc ban hành Luật An ninh mạng sẽ đóng góp vai trò pháp lý quan trọng để người dân, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài... có thể nhận được những thông tin chính xác, tránh được tình trạng nhiễu thông tin, dễ dẫn đến mất phương hướng. Đặc biệt, giúp cho Việt Nam có môi trường tốt để thu hút đầu tư, thực hiện các hoạt động xây dựng và bảo vệ đất nước.

Luật An ninh mạng xây dựng không gian lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Ảnh: Mai Viết Tăng

Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua là quy định “Lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” tại Điểm d, Khoản 2, Điều 26. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, việc áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật này là hết sức cần thiết, bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia. Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ ở Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, Luật quy định: Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại. Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng; xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng...

Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm các hành vi tổ chức cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội... Bên cạnh đó, nghiêm cấm thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông...

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/luat-an-ninh-mang-dam-bao-quyen-con-nguoi-quyen-cong-dan/