Luật An ninh mạng: 'Bấm nút' không đơn thuần chỉ là cái 'nhấn'

Những ai là 8X ‘đời đầu’ như chúng tôi, ADSL – nôm na là đường truyền internet tốc độ cao, có lẽ cụm từ nhắc lại nhiều người vẫn nhớ. Bởi thời chúng tôi, đầu những năm 2000s, có ADSL, tốc độ sử dụng internet đã ‘nhanh đến thần kỳ’ khi so sánh với tốc độ internet ‘dial –up’ đang là phổ thông lúc đó. Cứ hình dung thế này, với ‘dial –up’, mở một trang web, quay đi uống một cốc trà đá, và quay lại vào để vào mạng. Nhưng câu chuyện để ADSL giá rẻ có thể bùng nổ và trở thành dịch vụ phổ thông đến mọi nhà thì có lẽ không nhiều người biết, nhất là những ly kỳ pháp lý đằng sau nó. FPT lúc đó không phải là doanh nghiệp đầu tiên đưa ADSL vào Việt Nam, nhưng là doanh nghiệp tạo ra sự cạnh tranh, và đưa ADSL trở thành thứ hàng hóa phổ thông vào tận ngóc ngách mọi gia đình – giống hệt như Viettel đã làm với điện thoại di động.

Nhưng ít tai biết, FPT đã ‘phá luật’ để làm điều đó. Giám đốc mảng dịch vụ internet của FPT lúc đó, ông Trương Đình Anh sau này kể lại rằng, ông đã không thể ngủ ngon trong suốt 20 tháng, kể từ tháng 10 năm 2003, bởi nỗi lo bị Bộ Bưu chính Viễn Thông (tên lúc đó của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay) ‘thổi còi’ vì trái luật. Câu chuyện, mà ông Anh kể lại vẫn còn bức xúc ‘chúng tôi được quyền cung cấp ADSL nhưng không có quyền tự kéo cáp và trên thị trường chỉ có một người sở hữu sợi cáp là VNPT nhưng họ thì nhất định không cho bất kỳ ai thuê”. FPT đã đánh liều đầu tư xây dựng hạ tầng cáp cung cấp ADSL tức là trái với luật lúc đó. Pháp lệnh Bưu chính viễn chỉ cho phép 1 doanh nghiệp nhà nước duy nhất sở hữu hạ tầng duy nhất (là VNPT) với lý do nghe qua rất hợp lý: đầu tư thêm một hạ tầng nữa là lãng phí nguồn lực chung của xã hội, của đất nước.

Một chuyên viên ở Bộ TT&TT kể lại với tôi rằng, thời điểm đó anh là một chuyên viên trẻ vừa vào bộ, nhiều lần thắc mắc, tại sao VNPT liên tục kêu chuyện FPT phạm luật mà bộ bỏ qua, câu trả lời luôn là ‘đi mà hỏi bác Trực’. Người đóng vai chính, cố tình ‘lờ’ đi FPT ‘phá rào’, một lần nữa là ông Mai Liêm Trực, Thứ trưởng phụ trách mảng viễn thông lúc đó.

“Bấm nút” giờ đây không đơn thuần chỉ là một cái “nhấn”

Ông Trực đương nhiên biết vấn đề, và đã cố tình ‘mắt nhắm mắt mở’ để FPT làm. Chỉ đến sau này, khi đã rời cương vị chính thức, ông mới giải thích, ông biết rằng chỉ khi FPT tham gia, thế độc quyền của VNPT mới bị phá bỏ. Và thị trường hạ tầng mới có sự cạnh tranh lành mạnh để cuối cùng khách hàng được hưởng lợi. Mỗi khi nhắc lại câu chuyện này, anh bạn tôi đều dành sự ngưỡng mộ và cảm phục cho ông Mai Liêm Trực. Ông là ‘công thần’ của ngành bưu điện, là một trong những người có công gây dựng VNPT. Nhưng không vì thế chọn cách bảo hộ lợi ích ‘người nhà’. Quyết định mở lối cho một doanh nghiệp khác ‘đánh’ vào ‘nồi cơm’ của ‘người nhà’ vì lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế, của toàn bộ người dân, quả thật là quyết định dũng cảm.

Ngày nay chúng ta đang dùng internet tốc độ cao như là một chuyện ‘đương nhiên’ – nhưng ít ai biết, chuyện ‘đương nhiên’ đó từng khiến doanh nghiệp ‘mất ngủ’ và đối diện rủi ro đi tù. Những người làm luật, với dụng ý tốt của mình: một hệ thống hạ tầng thì đúng là tốt, là tiết kiệm lợi ích cho ‘đất nước’. Nhưng doanh nghiệp lại sử dụng ngay lợi thế độc quyền đó để kiếm tiền hợp pháp và đổ chi phí lên đầu ‘đất nước’. Đương nhiên, không doanh nghiệp nào có lỗi: nếu tôi là VPNP, chắc chắn tôi cũng làm thế.

Dự thảo Luật An Ninh mạng, với điều khoản như điều 26, điều 24 – yêu cầu doanh nghiệp phải xác thực được tài khoản người dùng; phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam – là một quy định hàm chứa không ít rủi ro. Một ví dụ đơn cử là điểm c điều 26. Nếu tôi đang là một doanh nghiệp có danh sách khách hàng và các giải pháp công nghệ trên nền tảng điện toán đám mây, tôi có thể sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Viettel, của VNPT, của Microsoft hay Amazon. Nhưng nếu các doanh nghiệp này không đặt trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, và tôi vẫn muốn sử dụng các dịch vụ đó, thì tôi cũng là người phạm luật? Điểm c điều 26 hoàn toàn tạo ra rủi ro đó.

Cách đây không lâu, trong một hội thảo khi nhắc về luật An ninh mạng, cá nhân ông Trực bày tỏ lo ngại rằng một số điều quy định như trong luật là bất cập. Khi đọc 3 điều: điều 26, điều 15, điều 24 người ta dễ dàng nhận ra những rủi ro mà luật này có thể đưa đến cho người dân, doanh nghiệp.

Lịch sử rất công bằng. 20 năm sau ngày Việt Nam có internet, và 15 năm sau ngày có internet tốc độ cao tiệm cận mặt bằng thế giới – những chuyên viên là ‘lính bác Trực’, và những thường dân như tôi vẫn cảm phục sự đóng góp đầy trách nhiệm của ông Mai Liêm Trực.

“Bấm nút” giờ đây không đơn thuần chỉ là một cái “nhấn”. “Nhấn” để rồi tạo thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và đất nước phát triển, hòa nhập cũng dòng chảy của thế giới văn minh mới là điều quan trọng nhất.

Nguyễn Quang Đồng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/luat-an-ninh-mang-bam-nut-khong-don-thuan-chi-la-cai-nhan-293912.html