Luận về sự vô ngôn

Trong cuộc sống, có những khi vai trò của ngôn ngữ lại bị lu mờ; cả lời nói, chữ viết cùng nhiều yếu tố kéo theo nữa thoắt trở nên không còn quan trọng. Bài viết này, do đó, xin được bàn về sự vô ngôn trong cuộc đời...

1.Ngôn ngữ, như ta đã biết, là phương tiện giao tiếp quan trọng bậc nhất của loài người. Ngôn ngữ có hai dạng: lời nói xuất hiện trước và chữ viết xuất hiện sau. Nhờ có ngôn ngữ mà xã hội mới phát triển, kinh nghiệm và tri thức của thế hệ trước được truyền lại cho thế hệ sau; nhờ ngôn ngữ mà muôn vàn tác phẩm mới có cơ hội ra đời và lưu lại cho hậu thế.

Thế nhưng trong cuộc sống, có những khi vai trò của ngôn ngữ lại bị lu mờ; cả lời nói, chữ viết cùng nhiều yếu tố kéo theo nữa thoắt trở nên không còn quan trọng. Bài viết này, do đó, xin được bàn về sự vô ngôn trong cuộc đời.

Thoạt kỳ thủy, vô ngôn là một khái niệm xuất phát từ nhà Phật. Hiểu theo nghĩa hẹp, vô ngôn là không lời, nghĩa là chối bỏ mọi hình thức tồn tại của ngôn ngữ, dù là lời nói hay chữ viết. Hiểu theo nghĩa rộng, vô ngôn loại bỏ luôn cả hành động, cử chỉ, suy nghĩ. Vô ngôn, ấy là khi tâm tưởng người hành thiền đạt đến độ rỗng lặng, thuần nhất, là cửa ngõ để đạt đạo và đắc đạo. Thế nên Đức Phật từng nói: "Đạo của ta là ly ngôn tịch diệt". Sư tổ Đạt Ma thì bảo: "Giáo là lời, không phải là đạo. Đạo là không lời. Ngay nơi ngươi đạt được không lời, ngươi đạt đạo".

Theo quan điểm của nhà Phật, khi không dùng lời nói, ta tránh được khẩu nghiệp. Khi không dùng cử chỉ hành động, ta tránh được thân nghiệp. Khi không dùng đến chữ viết nữa, ta tránh được việc bị trí tưởng tượng lôi cuốn, dẫn đi xa khỏi sự thật. Và rồi cuối cùng khi đoạn tuyệt được cả với tâm ngôn, ta sẽ tránh được cả ý nghiệp và lúc đó, Tánh Giác tức thời hiển lộ.

Dĩ nhiên các thiền sư trước khi đạt đạo để rồi chuyển sang một cảnh giới khác, trong một số trường hợp họ vẫn phải nói, nhưng sẽ là nói rất ngắn. Vì vậy, một loạt các bài kệ của những Thiền sư thời Lý Trần đọc cho đệ tử trước khi các ngài tịch diệt bao giờ cũng chỉ dăm câu, điển hình như các bài của Mãn Giác thiền sư (Cáo tật thị chúng), Viên Chiếu thiền sư, Vạn Hạnh thiền sư...

Xin dẫn lại một bài tiêu biểu: "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/Thịnh suy như lộ thảo đầu phô". Ở Việt Nam, có cả một phái thiền mang tên Vô Ngôn Thông với những thiền sư tiêu biểu gồm Khuông Việt, Thông Biện, Mãn Giác, Minh Không và Giác Hải. Một trong những thiền sư của phái Vô Ngôn Thông đã nói một câu thật ấn tượng như lời tuyên ngôn cho con đường của mình: "Bầy chim hót giữa những bông hoa hương thơm ngào ngạt, tiếng hót của bầy chim ở đâu, đó là lời. Còn hương thơm ngào ngạt là sự im lặng, nơi đó trú ngụ chân lý".

2.Nhìn sang tất cả các bộ môn nghệ thuật, ta thấy hầu hết đều sử dụng những biểu hiện của vô ngôn trong những mức độ khác nhau. Ở thơ, đó là những khoảng trắng trên trang giấy, khoảng cách giữa các dòng thơ và khổ thơ cũng như xung quanh một văn bản thơ. Trong âm nhạc, vô ngôn biểu hiện bằng những dấu lặng, chia làm nhiều cấp độ, từ dấu lặng đơn đến dấu lặng đen, dấu lặng trắng, dấu lặng tròn, dấu lặng tròn đôi, dấu lặng tròn ba và dấu lặng tròn tư.

Trong hội họa, nhiều khi ta bắt gặp những khoảng trắng của bức tranh như một chủ ý đặc biệt của người họa sĩ. Trong nghệ thuật kịch, tồn tại hẳn một bộ môn mang tên kịch câm (pantomime). Đó là một sân khấu không lời, các nghệ sĩ chỉ dùng vẻ mặt và hành động để biểu diễn, khiến khán giả hiểu thông điệp của họ. Xuất phát ở Hy Lạp từ thế kỷ XVIII, kịch câm có những bước phát triển mạnh mẽ trong hai thế kỷ tiếp theo, được nhiều nước phương Tây ưa chuộng, trong đó có thể kể tới tên tuổi của nghệ sĩ kịch câm Marcel Marceau được hoan nghênh tại nhiều quốc gia trên thế giới bằng tài năng diễn xuất của mình. Sự vô ngôn còn được nhấn mạnh hoặc miêu tả trong nhiều tác phẩm thi ca từ thời trung đại cho tới nay.

Trong kiệt tác "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị, khi miêu tả những khúc đoạn của người kỹ nữ chơi đàn trên bến Tầm Dương, nhà thơ lớn thời Trung - Vãn Đường đã hạ một câu: "Thử thời vô thanh thắng hữu thanh". Phan Huy Ích sau này dịch thành: "Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay".

Trong thi ca hiện đại Việt Nam, sự vô ngôn cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Bùi Giáng có hẳn một bài thơ mang tựa đề "Hãy vô ngôn": "Giập đầu vái tạ cô nương đẹp/ Dám hỏi bao giờ sẽ đẹp hơn/ Miệng ngọc cười xòa lên tiếng đáp/ Rằng xin các hạ hãy vô ngôn".

Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong thi phẩm "Khúc mùa thu" (nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc cùng tên) từng thốt lên: "Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá/ Bầu trời lặng im cũng đã vỡ rơi/ Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp/ Khi thanh âm cũng bất lực như lời".

Còn nhà thơ Anh Ngọc trong bài "Chẳng bao giờ" cũng nói về nỗi im lặng không lời khi đôi lứa chia tay nhau: "Chỉ một phút nữa thôi/ Rồi mỗi người mỗi ngả/ Chúng mình ngồi bên nhau/ Như là hai tảng đá/ Đã không còn tình yêu/ Thì có gì mà nói/ Mây cứ bay trên đầu/ Và gió thì cứ thổi.../ Bao ý nghĩ trong đầu/ Nói ra thành vô vị/ Nói ra thành vô nghĩa/ Lặng im đi thì hơn".

Hoa nở trong im lặng.

Hoa nở trong im lặng.

3.Trong xử thế, ông cha ta ngoài những lời khuyên về sử dụng ngôn ngữ còn có cả những lời khuyên về sự vô ngôn, chẳng hạn: "Im lặng là vàng", "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Quả thật, trong nhiều trường hợp của đời sống, sự im lặng lại tỏ ra là cách ứng xử hữu hiệu và khôn ngoan nhất, hơn hẳn so với việc xuất ngôn hoặc đa ngôn.

Nhìn ra thế giới, nhà văn Liên Xô nổi tiếng Raxun Gamzatop cũng từng phát biểu: "Người ta cần hai năm để học nói, nhưng cần tới 60 năm để học im lặng". Dĩ nhiên, người Việt còn nhận ra cả mặt trái của im lặng nữa, trong những trường hợp im lặng để trục lợi, im lặng vì mục đích bất chính, vì thế mà có câu thành ngữ "ngậm miệng ăn tiền". Sự im lặng (vô ngôn) có khi cũng tồn tại như một quy ước của một khu vực, một bộ phận hay nhóm người nào đó.

Trong tiểu thuyết nổi tiếng "Luật im lặng" của Mario Puzo, có nói về việc ở Sicilia có một điều luật im lặng gọi là Omertà, theo đó, cấm tất cả mọi người đàn ông bình thường, phụ nữ cũng như trẻ em hợp tác với bất cứ một cảnh sát hay quan chức chính quyền nào, bằng không họ chỉ còn một con đường chết.

Hiểu theo một nghĩa rộng, vô ngôn còn đi vào nhiều lĩnh vực khác của đời sống với những biểu hiện khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở chỗ những yếu tố thuộc phương tiện vật chất càng lúc càng bị lược bỏ. Trong võ học, ta bắt gặp quan điểm vô chiêu thắng hữu chiêu trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung qua hình tượng nhân vật Độc Cô Cầu Bại. Độc Cô Cầu Bại là người có khả năng kiếm thuật vô song, suốt đời chỉ mong tìm được một người đánh bại mình mà không thể toại nguyện.

Ông có đưa ra quan điểm về dụng kiếm như sau: "Sau bốn mươi tuổi không mang binh khí. Thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm. Cứ thế tinh tu, đạt tới cảnh giới vô kiếm thắng hữu kiếm". Sau này, Phong Thanh Dương đã phát triển 9 nguyên lí của Độc Cô thành một nguyên lý duy nhất mang tên "Dĩ vô chiêu địch hữu chiêu" rồi truyền cho Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung lĩnh hội được tinh thần "vô chiêu" này nên có lần mất hết nội lực mà vẫn xuất thần đâm mù mắt một lúc 15 đại cao thủ vây quanh trong miếu Dược Vương.

Trong kỳ học, cảnh giới cao nhất của chơi cờ là không cần dùng tới quân và bàn, các kỳ thủ gọi là cờ tưởng. Trong truyện ngắn nổi tiếng "Bậc cao thủ" (Dương Tường dịch sang tiếng Việt) của văn tài người Nhật Nakajima Atsushi, tác giả để cho nhân vật Ngật Trường của mình nói về cảnh giới cao nhất trong nghề xạ tiễn như sau: "Giai đoạn tột cùng của hoạt động là không hoạt động; giai đoạn tột cùng của nói năng là nín lặng; giai đoạn tột cùng của xạ kỹ là thôi không bắn".

Trở lại với định đề chính là vô ngôn, xét cho cùng, vô ngôn trong nhiều trường hợp là những lựa chọn tất yếu của đời sống. Nhưng muốn giỏi vô ngôn thì trước hết phải đi qua hữu ngôn đã. Nếu không biết cân nhắc, định lượng giữa vô ngôn và hữu ngôn, cái giá phải trả có khi chính là sinh mạng.

Chẳng thế mà lịch sử nhân loại hàng ngàn năm đã có biết bao câu chuyện về vạ miệng, có bao câu chuyện về án văn chương, chỉ một lần khinh suất, dụng hữu ngôn không đúng cách mà đi tới diệt vong. Còn với những kẻ vỗ ngực cho rằng mình đạt tới cảnh giới vô ngôn mà không cần qua hữu ngôn, đó mãi mãi chỉ là những lời khoác lác.

Đỗ Anh Vũ

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/luan-ve-su-vo-ngon-597877/