Luận tội tổng thống: Phen sóng gió trên chính trường nước Mỹ

Tối 18-12 (giờ Mỹ), sau cuộc tranh luận gay gắt giữa các nghị sĩ của hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, Hạ viện Mỹ đã thông qua thông qua việc chính thức luận tội Tổng thống Donald Trump, với 230 phiếu ủng hộ so với 197 phiếu chống đối với điều khoản lạm quyền và 229 phiếu thuận, 198 phiếu chống đối với điều khoản cản trở Quốc hội.

Như vậy, ông D. Trump đã trở thành vị tổng thống thứ 3 chính thức bị luận tội ở xứ cờ hoa, sau ông Andrew Johnson và ông Bill Clinton.

Trong cuộc luận tội lần này, phe Dân chủ cáo buộc ông D. Trump cản trở cuộc điều tra xung quanh nghi vấn nhà lãnh đạo Mỹ gây sức ép đối với giới lãnh đạo Ukraine nhằm tiến hành điều tra cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ đồng thời là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ trích Tổng thống Donald Trump đã gây ra một “mối đe dọa hiện hữu” đối với an ninh của nước Mỹ, khiến đảng Dân chủ “không còn lựa chọn nào khác” là luận tội ông.

 Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Euronews

Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Euronews

Về phần mình, Tổng thống D. Trump luôn bác bỏ điều này, cho rằng mình đã hành động đúng và không làm gì sai. Tổng thống Trump chỉ trích phe Dân chủ "thù hằn, đố kị", đồng thời mô tả việc phe Dân chủ thúc đẩy tiến trình luận tội ông là hành động "tấn công" nước Mỹ và đảng Cộng hòa. Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích động thái trên của đảng Dân chủ, gọi đây là “đỉnh điểm của một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa cũng phản đối gay gắt quan điểm của đảng Dân chủ và khẳng định ông Trump bị đối xử thiếu công bằng. Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell – thuộc đảng Cộng hòa thì cho rằng cuộc luận tội là “quyết định chính trị” và mang màu sắc đảng phái, “hoàn toàn không phải một tiến trình tư pháp”.

Việc chính thức bị luận tội không có nghĩa ông D. Trump sẽ phải rời chiếc ghế tổng thống của mình. Bởi theo hiến pháp Mỹ, sau khi các điều khoản về luận tội tổng thống được Hạ viện thông qua, hồ sơ liên quan sẽ được giao cho Thượng viện thụ lý xét xử. Tương lai chính trị của ông D. Trump cuối cùng sẽ được quyết định bởi 2/3 số nghị sĩ tại Thượng viện, tức phải có 67 trên tổng số 100 thượng nghị sĩ tán thành điều khoản luận tội.

Trong suốt hơn 200 năm kể từ khi lập quốc đến nay, nước Mỹ mới chỉ có 3 vị tổng thống chính thức bị luận tội, ngoại trừ Tổng thống Richard Nixon từ chức trước khi luận tội diễn ra. Tuy nhiên, hai cuộc luận tội Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton trước đây cũng không qua được “cửa ải” Thượng viện. Nói cách khác, trong lịch sử, chưa từng có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo hiến pháp, và đến nay cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ thay đổi điều này. Như vậy, với tiền lệ, những diễn biến thực tế thời gian qua và nền chính trị hiện nay ở Mỹ, việc định tội một vị tổng thống không phải là điều dễ dàng.

Luận tội tổng thống được coi là một thứ “vũ khí” để Quốc hội Mỹ kiểm soát và cân bằng quyền lực với cơ quan hành pháp, nhưng tiến trình này rất dễ trở thành công cụ cho một cuộc đấu giữa các đáng phái. Theo hiến pháp Mỹ, Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội tổng thống, nhưng quyền định tội lại nằm trong tay Thượng viện và việc kết án người bị luận tội cần có đa số hai phần ba số phiếu tán thành. Trong khi đó, trong lịch sử Quốc hội Mỹ, dường như chưa có đảng phái nào giữ ít trên 2/3 số ghế tại Thượng viện. Điều này có nghĩa, chỉ cần các nghị sĩ của chính đảng mà vị tổng thống đó là đảng viên không đi ngược lại với chính đảng của mình, thì vị tổng thống đó về cơ bản sẽ không bị truất phế vì luận tội.

Tại Thượng viện Mỹ hiện nay, đảng Cộng hòa nắm 53 ghế, trong khi đảng Dân chủ chỉ có 47 ghế. Từ thực tế tại cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện có tới 198 phiếu chống đối với hai điều khoản luận tội cho thấy, việc đảng Dân chủ thuyết phục được 20 đảng viên phe Cộng hòa “quay ngược mũi giáo” chống lại ông Trump tại Thượng viện dường như là điều không thể. Hơn nữa, ngay trong bội bộ đảng Dân chủ cũng xảy ra mâu thuẫn trong quá trình điều tra luận tội. Khi tiến trình luận tội được khởi động, một số thành viên của đảng Dân chủ đã tỏ ra lo lắng về tương lai của mình trong cuộc bầu cử tháng 11 năm sau, thậm chí đã có người tính chuyện rời đảng Dân chủ để gia nhập đảng Cộng hòa.

Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đang cận kề và cho dù kết quả cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1 tới tại Thượng viện ra sao, thì quá trình luận tội bị chỉ trích mang đầy toan tính chính trị này đã đẩy chính trường Mỹ vào giai đoạn sóng gió, khó lường.

THANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/luan-toi-tong-thong-phen-song-gio-tren-chinh-truong-nuoc-my-605736