Luân chuyển về cơ sở: Loại bỏ yếu tố 'thân quen' để rèn cán bộ trẻ

Công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá cần thực hiện nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dự Đại hội đại biểu lần thứ XXIV huyện Mỹ Đức. (Ảnh: Vietnam+)

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dự Đại hội đại biểu lần thứ XXIV huyện Mỹ Đức. (Ảnh: Vietnam+)

Để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới, nhiều năm qua, Hà Nội đã chú trọng công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ trẻ và mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm nhiều cán bộ dưới 40 tuổi giữ các chức vụ lãnh đạo trong khối Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp cơ sở đến thành phố, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ trong lãnh đạo, điều hành chung của Thủ đô.

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Việt, Thành ủy viên, Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội, hiện là Bí thư huyện ủy Mỹ Đức (Hà Nội) về công tác đào tạo, bồi dưỡng Đảng viên trẻ.

- Là cán bộ trưởng thành từ công tác Đoàn, xin ông cho biết những kinh nghiệm thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá cần thực hiện nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thành phố đã, đang xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp với tinh thần quyết liệt đổi mới để khắc phục tình trạng hụt hẫng, chưa đảm bảo tính kế thừa và phát triển trong đội ngũ cán bộ, thiếu cơ cấu cán bộ trẻ.

Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận là phải làm tốt tất cả các khâu từ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đến thử thách, đánh giá và lựa chọn..., do đó cần tiếp tục quán triệt sâu rộng mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của công tác cán bộ trẻ tới tất cả các sở, ngành, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên.

Cấp ủy, người đứng đầu cần nhận thức đúng và đổi mới quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, xem đây là nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, cấc cấp ủy đảng cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút người trẻ tài năng; có chế độ đãi ngộ hợp lý để đội ngũ cán bộ trẻ yên tâm phấn đấu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ; trong đó, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất, là cơ sở cho việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả.

Đánh giá đúng cán bộ là cơ sở khách quan, khoa học để thực hiện các khâu tiếp theo; đồng thời giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đồng thời phải gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng cán bộ trẻ sau đào tạo phù hợp.

Cùng với đó, cấp ủy cũng cần đẩy mạnh luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đã được quy hoạch dự bị các chức danh về cơ sở để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, hoặc bố trí tiếp cận chức danh được quy hoạch. Việc bố trí, sử dụng cán bộ trẻ sau đào tạo phải phù hợp với chuyên môn nhằm tạo động lực và cơ hội để cán bộ trẻ phát huy năng lực và kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tiễn.

- Việc luân chuyển và đảm nhận những vị trí công tác khác nhau đã được thực hiện nhiều năm nay, vậy với những cán bộ trẻ, theo ông việc luân chuyển có những thuận lợi và khó khăn gì khi đưa về cơ sở?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Việc luân chuyển và đảm nhận những vị trí công tác khác nhau là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ.

Từ thực tiễn bản thân sau nhiều năm công tác trong môi trường Đoàn, được luân chuyển về làm người đứng đầu cấp ủy tại một địa phương, tôi nhận thấy mình có thuận lợi khi được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Thành phố, sự tạo điều kiện trao đổi công việc của các sở, ngành với tinh thần đồng hành hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển. Bằng tất cả sự công tâm và trách nhiệm, tôi dễ quy tụ được sự đoàn kết của tập thể, luôn sâu sát, gắn bó và lắng nghe cơ sở để tập trung giải quyết công việc với tinh thần không có yếu tố “thân quen” chi phối.

Tuy nhiên, với độ tuổi trẻ nhưng lại tiếp cận với môi trường làm việc ở phạm vi toàn diện nên ban đầu các cán bộ trẻ sẽ gặp khó khăn về kiến thức trên một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản lý đất đai... Chưa kể, kiến thức để ứng xử với văn hóa, truyền thống địa phương, rào cản về tâm lý khoảng cách độ tuổi, sự hoài nghi về trình độ quản lý điều hành của cấp dưới, tâm lý ngại thay đổi cũng là những khó khăn không nhỏ đặt ra cho cán bộ trẻ khi luân chuyển về địa phương.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt (bên trái) là một trong ba cán bộ trẻ (độ tuổi từ 30 đến 40) là Thành ủy viên trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Hà Nội và là 1 trong 60 đại biểu được Đại hội tín nhiệm bầu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh: Vietnam+)

- Thành công của Đại hội đảng bộ các cấp đã nói lên điều gì từ việc đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Tôi đánh giá mỗi một kỳ Đại hội Đảng, Đảng ta luôn xác định cần phải tiếp tục đổi mới, mà một trong những nhiệm vụ góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp là thực hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, vì Người luôn coi công tác cán bộ là quan trọng nhất. Người từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Bên cạnh đó, với tầm nhìn chiến lược, tình thương yêu to lớn và niềm tin tuyệt đối đối với thế hệ trẻ, Người luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên, đặc biệt là nguồn từ đoàn viên thanh niên để góp phần trẻ hóa, tạo nguồn cán bộ kế cận và tăng cường sức chiến đấu cho các tổ chức đảng.

Về xây dựng nguồn cán bộ trẻ, Người nhấn mạnh “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già và cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ” và phải “đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ.

- Với tư cách là Bí thư huyện ủy Mỹ Đức, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ của huyện được ông ưu tiên thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Để có được đội ngũ cán bộ kế cận, huyện cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với công tác quy hoạch, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ của huyện, bảo đảm tính kế thừa, phát triển... Đặc biệt, việc bố trí, sử dụng phải phù hợp với chuyên môn, sở trường nhằm tạo động lực, cơ hội để cán bộ trẻ phát huy năng lực, kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn cán bộ trẻ trong quy hoạch các chức danh chủ chốt để thực hiện luân chuyển nhằm đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân sự kế cận khi đủ điều kiện.

- Trong công tác quy hoạch cán bộ trẻ, huyện Mỹ Đức đã có những chính sách gì để vừa thu hút và tạo nguồn cũng như bồi dưỡng cán bộ?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Xác định thực tiễn công tác tại cơ sở là môi trường rèn luyện hiệu quả nhất, công tác luân chuyển cán bộ trẻ về đào tạo, thử thách tại cơ sở luôn được Ban Thường vụ huyện ủy quan tâm thực hiện tốt, đã góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở, tạo nguồn cán bộ dự bị cho huyện.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã điều động, đề bạt, bổ nhiệm 32 lượt cán bộ trẻ giữ các chức danh trưởng, phó phòng thuộc huyện và cán bộ chủ chốt cơ sở (bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã).

Nhiệm kỳ 2020-2025 ở cấp cơ sở đảm bảo cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt trên 15%, ở cấp huyện sau Đại hội tiếp tục luân chuyển 02 đồng chí trưởng ngành làm Bí thư Đảng ủy xã, 01 đồng chí chuyên viên, 01 đồng chí phó phòng luân chuyển làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để tạo nguồn cán bộ tiếp theo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ của huyện đã từng bước gắn với quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của huyện, khắc phục dần tình trạng đào tạo tràn lan, lãng phí mà kém hiệu quả.

Phần lớn cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng các lớp lý luận chính trị, đại học và sau đại học đều bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nỗ lực học tập, công tác, có khả năng điều hành, quản lý, rèn luyện phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi bổ sung cho tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị huyện.

- Từng là cán bộ Đoàn, ông nhìn nhận thế nào về động lực phấn đấu của lớp trẻ hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Phải khẳng định rằng đại bộ phận thanh niên ý thức rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, lối sống vì cộng đồng.

Chúng ta cũng khẳng định đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ là lớp người hăng hái, tích cực năng động, nhạy bén với cái mới, nhưng lý luận của chúng ta còn thiếu, kinh nghiệm còn ít, chúng ta chưa được trải nghiệm nhiều trong hoạt động thực tiễn. Cho nên trong công tác, các cán bộ và đảng viên trẻ thường gặp những khó khăn nhất định.

Chính vì vậy, mỗi cán bộ trẻ là đảng viên trẻ phải nhận thức sâu sắc rằng: Phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ năng lực của con người không phải hoàn toàn tự nhiên mà có, mà một phần lớn phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc và bền bỉ để “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên.

- Với những lớp thế hệ đi trước, việc bồi đắp các kinh nghiệm thực tiễn cũng như bản lĩnh chính trị hiện nay cho lớp trẻ ra sao để tạo dựng hiền tài cho đất nước?

Ông Nguyễn Ngọc Việt: Bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, bản thân mỗi cán bộ trẻ cần không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động, sáng tạo… để hoàn thành tốt công việc được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ phải luôn nhận thức rằng, đã là những “công bộc” của dân phải hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Tuổi trẻ phải không ngừng học tập, tu dưỡng để ngày càng trưởng thành, phải tự tin nhưng không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi để ngày càng tiến bộ. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thành công hay không là nhờ phần quan trọng vào sức cống hiến và năng lực của tuổi trẻ.

Mỗi đảng viên, cán bộ trẻ phải tích cực phấn đấu, rèn luyện; không chỉ làm chủ kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến, mà còn phải là người cán bộ có đạo đức cách mạng, có trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân.

- Xin cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/luan-chuyen-ve-co-so-loai-bo-yeu-to-than-quen-de-ren-can-bo-tre/690474.vnp