Lừa xin việc vào cơ quan Nhà nước: Không được nhẹ dạ cả tin

Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã bóc gỡ một số đường dây 'chạy việc' của nhiều nhóm đối tượng, đồng thời, đưa ra những cảnh báo về phương thức và thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết, cả tin và tâm lý mong con cháu mình tìm được một 'chân' trong cơ quan nhà nước đã khiến nhiều nạn nhân liên tục sập bẫy, tiền mất mà việc cũng chẳng thấy đâu.

Kịch cũ lặp lại

Lừa đảo chạy việc không còn là vấn đề mới, và không phải đến bây giờ mới được phản ánh. Tuy nhiên, với chiêu bài quen thuộc là khoe khoang về mối quan hệ “ảo” và từng bước dẫn dụ “con mồi” nhẹ dạ, cả tin vào tròng thì dường như vẫn được các đối tượng xấu áp dụng hiệu quả. Nói cách khác, mặc dù đã sử dụng nhiều lần, nhưng không ít nạn nhân vẫn trở nên mê muội trước những lời giới thiệu và hứa hẹn đầy thuyết phục của bọn lừa đảo về mạng lưới quan hệ của chúng tại nơi mà họ đang có nhu cầu xin cho con em mình vào làm việc. Sau phút nhẹ dạ cả tin, đồng ý chuyển tiền cho các đối tượng thông qua những giấy tờ có tính pháp lý không cao, đa số kết quả mà các nạn nhân nhận được đều là tiền mất nhưng việc chờ mãi chẳng thấy đâu.

Trần Trọng Quyền và đồng bọn trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 31/10 – 1/11/2019

Trần Trọng Quyền và đồng bọn trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 31/10 – 1/11/2019

Điển hình cho sự nhẹ dạ cả tin vào chiêu thức trên là các nạn nhân trong vụ án lừa đảo hơn 5 tỷ đồng chạy việc vào cơ quan công an, bệnh viện viện vừa được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vào 2 ngày 31/10 – 1/11/2019. Theo cáo trạng, trong thời gian từ cuối năm 2014 đến tháng 6/2016, Trần Trọng Quyền (sinh năm 1984, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng) cùng các đồng phạm khoe với mọi người là quen nhiều lãnh đạo các ngành công an, y tế nên có khả năng xin cho nhiều người vào làm việc với mức “chi phí” từ 550-800 triệu đồng/suất.

Để tạo niềm tin, đối tượng Trần Trọng Quyền đã làm giả các giấy tờ như: Thư đề nghị, thông báo tuyển dụng, quyết định tuyển dụng của Bộ Công an và Bộ Y tế, có dấu đỏ… Sau đó, Trần Trọng Quyền chụp lại hình ảnh bằng điện thoại, đưa cho đồng bọn gửi đến các bị hại để họ tin tưởng rằng các bị cáo đã xin được việc cho nhiều người. Ngoài ra, các bị cáo còn bố trí cho bị hại muốn xin vào ngành công an đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 19-8 của Bộ Công an, dẫn họ tới các trụ sở thuộc Bộ Công an, giới thiệu không đúng về việc các bị cáo làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Tin là thật, đã có 8 trường hợp nộp gần 5 tỷ đồng cho các bị cáo để xin vào ngành công an và các bệnh viện. Sau khi nhận tiền, bị cáo không thực hiện bất cứ việc gì để giúp đỡ, xin việc cho các bị hại. Khi các gia đình bị hại đòi tiền, các bị cáo hứa hẹn quanh co, không trả lại. Sau khi xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Quyền mức án 15 năm tù; các bị cáo còn lại lĩnh án từ 10 năm đến 12 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng một chiêu thức trên, một nhóm nạn nhân khác cũng bị lừa số tiền gần 2,3 tỷ đồng để chạy việc vào các cơ quan thuế, ngân hàng. Cụ thể, tháng 6/2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kiều Trang (Sinh năm 1990, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra, trước đó, Trang có quen biết với anh Đỗ Văn H. (trú ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), với gốc tích là dân Hà Nội, Trang khoe có quen biết nhiều quan chức cấp cao và có thể chạy công chức vào nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố. Tin lời, anh H. đã chuyển cho Trang tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng để nhờ xin cho 7 người quen vào làm công chức tại các cơ quan thuế, bệnh viện, ngân hàng, trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Sau khi nhận tiền, Trang đăng ký cho một số người đi thử việc hoặc gửi ảnh chụp quyết định tuyển dụng giả mạo, giấy báo dự thi công chức giả để tạo lòng tin. Tuy nhiên, sau đó, Trang không xin việc được cho bất cứ trường hợp nào và tìm cách lẩn tránh, không trả lại tiền cho người bị hại.

Trước đó, vào cuối năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Minh Nguyệt (sinh năm 1973, trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo các nạn nhân, lần đầu gặp Nguyệt đều có ấn tượng tốt với người phụ nữ có gương mặt xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, đi ô tô “xịn”. Vì vậy, khi Nguyệt giới thiệu là cán bộ đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, có quan hệ với cán bộ cấp cao của một số bộ, ngành có thể “chạy” được việc làm vào các cơ quan ngân hàng, hải quan mọi người đều tin ở khả năng của người phụ nữ này. Với vỏ bọc trên, Nguyệt còn tới các địa phương, tìm cách tiếp cận với một số lãnh đạo để “tiếp thị” việc chạy các suất du học có học bổng. Theo Cơ quan điều tra, với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn từ khoảng cuối năm 2017 đến nay, Nguyệt đã lừa đảo các nạn nhân với tổng số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng. Những sự việc nói trên, chỉ là nét “phác thảo” về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chạy việc hiện nay.

Cần nâng cao tinh thần cảnh giác

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, những vụ việc đã bị lực lượng chức năng phát hiện cho thấy, chạy việc vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo hoạt động. Điều đáng nói không chỉ có các đối tượng mạo nhận, mà nhiều trường hợp là do những người đang công tác tại các cơ quan thực hiện, hoặc cấu kết với các đối tượng bên ngoài để lừa đảo bằng cách giả mạo các quyết định tuyển dụng. Mặc dù chiêu trò lừa đảo dưới hình thức lừa tiền chạy việc không còn mới, đồng thời cơ quan chức năng cũng đã có nhiều cảnh báo về hành vi này, nhưng thực tế vẫn xuất hiện thêm nhiều trường hợp ở cả thành thị và nông thôn bị sập bẫy do mất cảnh giác.

Trước tình trạng này, theo đại điện Văn phòng Cảnh sát điều tra (Bộ Công An) để phòng chống loại tội phạm trên, biện pháp tốt nhất là bản thân mỗi người dân cần phải tỉnh táo, đừng tự biến mình thành “mồi ngon” của kẻ lừa đảo. Khi chưa thể kiểm chứng, xác định tính chính xác từ thông tin của kẻ nhận chạy việc, chúng ta cần đề cao cảnh giác với những lời nói, tài liệu, đồ vật… người đó đưa ra.

Đáng chú ý, hiện nay, pháp luật đã có những quy định rõ ràng về xử phạt các hành vi lừa đảo chạy việc. Cụ thể, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Hành vi nhận tiền chạy việc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt thấp nhất đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; mức phạt cao nhất là phạt tù từ 7 năm cho đến 15 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc những công việc nhất định từ 1 năm cho đến 5 năm. Tuy nhiên, trước sự nhẹ dạ cả tin và lợi ích quá lớn từ “chạy việc”, nhiều nạn nhân vẫn “nhắm mắt” theo lao.

Trước tình trạng này, theo đại điện Văn phòng Cảnh sát điều tra (Bộ Công An) để phòng chống loại tội phạm trên, biện pháp tốt nhất là bản thân mỗi người dân cần phải tỉnh táo, đừng tự biến mình thành “mồi ngon” của kẻ lừa đảo. Khi chưa thể kiểm chứng, xác định tính chính xác từ thông tin của kẻ nhận chạy việc, chúng ta cần đề cao cảnh giác với những lời nói, tài liệu, đồ vật… người đó đưa ra. Cần rèn luyện thói quen đặt ra các câu hỏi. Tuyệt đối không tin tưởng vào người lạ hoặc người mà mình không thể biết rõ nhân thân lai lịch, công việc, gia đình…

Đặc biệt, không nên hấp tấp, vội vàng làm theo những yêu cầu, chỉ dẫn của kẻ nhận chạy việc, mà cần bàn bạc, trao đổi với người thân trong gia đình, người có chuyên môn, hiểu biết hoặc người đang làm việc tại chính lĩnh vực đó, trước khi quyết định giao tiền. Chỉ giao tài sản khi đã có những căn cứ xác thực nội dung mà người khác đưa ra là đúng. Việc giao nhận tiền, tài sản nên có giấy tờ (công chứng hoặc viết tay) để ghi nhận sự việc. Nội dung nên ghi trung thực theo thỏa thuận giao dịch của các bên.

Nếu không tiện yêu cầu ghi giấy tờ, thì cần ghi âm, ghi hình bí mật bằng điện thoại, máy chuyên dụng và mời người thứ ba cùng tiếp chuyện với mình (nên mời bạn bè hoặc hàng xóm) để có người làm chứng cho việc tố cáo tội phạm sau này, nếu đó là vụ lừa đảo. Khi chẳng may đã bị lừa, nạn nhân hãy làm đơn trình báo ngay với cơ quan Công an tại nơi xảy ra tội phạm, hoặc nơi ở của đối tượng. Kèm theo đơn là tất cả những giấy tờ, tài liệu, hình ảnh, clip... có liên quan đến vụ lừa đảo.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lua-xin-viec-vao-co-quan-nha-nuoc-khong-duoc-nhe-da-ca-tin-99110.html