Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng cũng nhan nhản hàng Trung Quốc

Các làng nghề truyền thống hiện đang đứng trước những vấn đề đáng báo động về sức cạnh tranh, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm khi nhiều cửa hàng tại các làng nghề như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng mặc dù gắn mác hàng Việt song cũng bán hàng nhập từ Trung Quốc.

Hội chợ sắp tới sẽ không có gian hàng trưng bày của lụa Vạn Phúc. Ảnh: Nguyễn Thanh

Đó là khẳng định của ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại buổi họp báo về việc chuẩn bị tổ chức hội chợ trưng bày và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng 31/10, tại Hà Nội.

Theo ông Dần, ông từng phát hiện một số cửa hàng gốm ở Bát Tràng giới thiệu sản phẩm với khách là gốm Bát Tràng, song thực chất là sản phẩm gốm sứ Giang Tây (Trung Quốc). Còn tại làng lụa Vạn Phúc, nhiều cửa hàng chỉ tập trung vào việc thương mại, nhập lụa Trung Quốc về bán do lợi nhuận cao. “Việc các cửa hàng bán sản phẩm xuất xứ Trung Quốc hay nhập từ quốc gia nào khác là điều bình thường, song cần nói rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, không lừa dối, mập mờ”, ông Dần nhấn mạnh.

Ông Dần thông tin thêm, thực tế, thời gian qua ngoài vấn đề trà trộn, mập mờ về nguồn gốc hàng hóa bán ở thị trường nội địa, vấn đề đáng lưu ý của sản phẩm làng nghề hiện nay là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường XK khắt khe, bị trả hàng về. Điển hình như, gốm xứ Bát Tràng XK sang Nhật Bản bị trả về cả container vì trong sản phẩm vẫn còn lẫn cả tóc của thợ làm gốm hay hàng mây tre đan XK sang Mỹ bị trả về vì không đảm bảo chất lượng...

Liên quan tới quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống, được biết, từ ngày 9-13/11 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra “Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 – CraftViet 2017”.

Hội chợ thu hút khoảng 250 gian hàng tại hội chợ trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đặc sắc của các địa phương như: Gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, dệt thổ cẩm, tranh Đông Hồ….

Hội chợ nhằm thu hút đầu tư mở rộng quy mô các sản phẩm làng nghề, khuyến khích phát huy tiềm năng văn hóa du lịch và ngành nghề nông thôn; khôi phục và phát triển nghề, phát huy bản sắc dân tộc theo chủ trương phát triển nông thôn mới; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm làng nghề thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, hội chợ cũng có nhiều gian hàng thao diễn nghề tiêu biểu do nghệ nhân làng nghề trình diễn giới thiệu đến khách tham quan, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công và các cơ sở sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, tinh hoa văn hóa làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có giá trị cao bao gồm cả thị trường XK và tiêu thụ nội địa.

Về chất lượng của các sản phẩm trưng bày tại hội chợ, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho biết: “Cùng với sự kiểm tra của Sở NN&PTTN cũng như Chi cục quản lý chất lượng các địa phương khi tổ chức gian hàng tại hội chợ, Ban tổ chức cũng yêu cầu các gian hàng phải cam kết chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng các sản phẩm tại hội chợ”.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lua-van-phuc-gom-bat-trang-cung-nhan-nhan-hang-trung-quoc.aspx