Lúa thơm năng suất, chất lượng cao 'chung thủy' đồng đất Thái Bình

Với đặc tính nổi trội về chống chịu sâu bệnh, chất lượng tốt và thời gian sinh trưởng ngắn, giống lúa thơm BT9 được nông dân ở nhiều tỉnh thành phía Bắc gieo cấy.

 Đoàn kiểm tra của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) thăm mô hình liên kết sản xuất lúa BT09 tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ảnh: Đồng Thái.

Đoàn kiểm tra của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) thăm mô hình liên kết sản xuất lúa BT09 tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ảnh: Đồng Thái.

Thời gian sinh trưởng rất ngắn

Giống lúa thuần BT09 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức năm 2019. Tại cánh đồng xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, giống lúa BT09 đã bén rễ được 5 vụ.

Ban đầu, bà con chỉ cấy thử nghiệm trong phạm vi 1 ha để so sánh đối chứng với các giống lúa khác. Do đạt hiệu quả cao, nên bà con mở rộng gieo cấy tập trung thành cánh đồng diện tích 20 ha. Nhiều người dân ở địa phương cũng mua giống BT09 để gieo cấy tại các khu sản xuất khác.

Ông Vũ Văn Thuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quỳnh Ngọc chia sẻ: “Ưu điểm của giống BT09 là thời gian sinh trưởng rất ngắn ngày, vụ xuân khoảng 90 – 95 ngày và vụ mùa khoảng 120 – 125 ngày (tương đương giống Khang dân 18), chất lượng gạo tương đương Bắc thơm 7 và năng suất cao. Vụ xuân năm 2018, hợp tác xã chúng tôi cấy lúa BT09 đạt năng suất 2,4 tạ/sào Bắc bộ. Khi nấu thành cơm có vị thơm nhẹ và ăn rất dẻo”.

BT09 là giống lúa thơm chất lượng cao. Ảnh: Đồng Thái.

Vụ xuân năm 2020, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục xây dựng mô hình liên kết gói kỹ thuật canh tác tiên tiến sản xuất giống lúa BT09 với Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Ngọc. Thời điểm thu hoạch, trên cánh đồng được nhuộm màu vàng rực. Những bông lúa trĩu hạt khẳng định một vụ bội thu.

Đặc biệt, Hợp tác xã Quỳnh Ngọc cung ứng toàn dịch vụ từ làm đất, gieo cấy cho tới khâu thu hoạch. Nhờ đó, nông dân tham gia mô hình có thể giảm rất nhiều công lao động canh tác lúa.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ, cho biết: Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giống lúa BT09 phát triển tốt ở cả điều kiện vụ xuân và vụ mùa. Thời điểm này lúa đang trong giai đoạn thu hoạch, nhìn giàn lúa rất đồng đều và khẳng định năng suất khá cao. Qua mô hình liên kết tại xã Quỳnh Ngọc, chúng tôi sẽ khuyến cáo, tuyên truyền cho các địa phương đưa giống lúa này vào cơ cấu vụ xuân để nâng hiệu quả trồng lúa.

BT09 là giống lúa thuần chất lượng cao, được lựa chọn là một trong các giống trong chương trình sản phẩm quốc gia về lúa gạo. Lúa BT09 thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái.

Nhiều địa phương mở rộng sản xuất hàng ngàn ha

Chỉ chưa đầy một năm sau khi được công nhận chính thức, giống BT09 đã được bà con gieo cấy với diện tích lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, BT09 đã được sản xuất ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, đặc biệt Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đã đưa vào cơ cấu với diện tích hàng ngàn ha.

Tại Thái Bình, Hà Nam cung đã có các mô hình liên kết, sau đó doanh nghiệp cùng với chúng tôi thu mua lúa để làm gạo thương phẩm. Ở miền núi phía Bắc, các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã đánh giá hiệu quả giống lúa BT09 qua 3 vụ và hiện đang khuyến cáo mở rộng sản xuất.

Do BT09 có đặc điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng rất ngắn, nên thích hợp với các địa phương có truyền thống cấy 3 vụ. Đặc biệt là các vùng trồng cây vụ đông có chân vàn và vàn cao.

Do chất lượng gạo giống BT09 dẻo, thơm ngon tương đương lúa Bắc Thơm số 7, hạt gạo trong, ít bạc bụng, trắng bóng nên giá bán trên thị trường cao.

Đồng Thái

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lua-thom-nang-suat-chat-luong-cao-chung-thuy-dong-dat-thai-binh-d265826.html