Lừa thế giới gặp nguy vì Trung Quốc săn da làm 'thần dược'

Số lượng lừa trên thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng do nhu cầu cao của người Trung Quốc về da của loại động vật này để phục vụ việc bào chế thuốc y học cổ truyền.

Nhân viên cầm theo một tấm da lừa phơi khô tại một trại giết mổ ở Kenya. Ảnh: CNN

Nhân viên cầm theo một tấm da lừa phơi khô tại một trại giết mổ ở Kenya. Ảnh: CNN

Theo hãng tin CNN, trong da lừa có chất gelatin – nguyên liệu chính trong một bài thuốc cổ truyền yêu thích tại quốc gia châu Á, có tên gọi ejiao, dùng để chữa cảm lạnh, mất ngủ.

Trong một báo cáo gần đây của tổ chức từ thiện Donkey Sanctuary, để đáp ứng nhu cầu 5 triệu tấm da lừa mỗi năm sản xuất thuốc ejiao, ngành công nghiệp này cần hơn một nửa số lượng lừa trên thế giới trong 5 năm tới.

Cũng theo thống kê của tổ chức này, trong 6 năm qua, ngành bào chế thuốc ejiao phát triển một cách chóng mặt do nhu cầu thị trường tăng và lợi nhuận nhiều. Sản lượng sản xuất hàng năm loại thuốc này tăng từ 3.200 tấn trong năm 2013 lên 5.600 tấn trong năm 2016. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc cần 4,8 triệu tấm da lừa mỗi năm.

Kể từ năm 1992, số lượng lừa tại Trung Quốc đã giảm 76%. Chính vì vậy, ngành công nghiệp này đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác, cụ thể là ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Từ năm 2007, số lượng lừa ở Brazil giảm 28%, trong khi tại Botswana và Kyrgyzstan lần lượt là 37% và 53%.

Chứng kiến thực trạng lừa trước nguy cơ bị diệt chủng, tổ chức Donkey Sanctuary kêu gọi “ngừng khẩn cấp hoạt động thương mại da lừa trước khi loại động vật này thực sự bị xóa sổ trong một vài khu vực”.

Theo Donkey Sanctuary, sự suy giảm số lượng lừa ảnh hưởng nhiều nhất lên 500 triệu người kiếm sống phụ thuộc vào loại động vật này ở một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức cũng cảnh báo về tình trạng ngược đãi động vật tồi tệ trong chuỗi cung ứng. Gần 20% số lừa chết trên đường vận chuyển. Hoạt động giết mổ mất vệ sinh cũng gây ra mối nguy an ninh sinh học, tạo điều kiện lây lan các dịch bệnh như uốn ván, cúm lừa, bệnh than… Với nhu cầu quá cao, ngay cả những con lừa đang mang thai hay lừa nhỏ, lừa mắc bệnh, bị thương cũng là hàng hóa giao dịch.

Donkey Sanctuary hiện kêu gọi các nhà sản xuất ejiao chuyển sang collagen lừa nhân tạo thay vì da lừa thật, cũng như Trung Quốc nên ngừng các hoạt động nhập khẩu lừa.

Cơ quan đăng ký thảo dược Trung Quốc (RCHM), có trụ sở tại Anh, cho biết tổ chức này kịch liệt lên án hành vi sử dụng động vật quý hiếm làm thuốc. Trong một tuyên bố, ông Martin John - thành viên hội đồng RCHM – khẳng định: “Mặc dù các sản phẩm gelatin của lừa có công dụng sức khỏe, chữa bệnh, song việc sử dụng chúng trong thực hành y học Trung Quốc hiện đại là không cần thiết và phi đạo đức khi sử dụng nguồn cung hiện tại”. Ông John gợi ý có thể dùng gelatin bò, lợn hoặc gà thay thế, trong khi những người ăn chay có thể sử dụng một số loại rong biển và thảo mộc.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 18 quốc gia chung tay bảo vệ lừa thế giới. Các quốc gia như Niger và Burkina Faso đã ban hành lệnh cấm bán lừa cho Trung Quốc xuất phát từ các vấn đề môi trường và kinh tế.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/lua-the-gioi-gap-nguy-vi-trung-quoc-san-da-lam-than-duoc-20191122103348095.htm