Lúa rớt giá, nông dân điêu đứng

Nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay đang hối hả bước vào mùa thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2013. Với năng suất khá khả quan (đạt 6 - 7 tấn/ha đối với lúa tươi) nhưng giá cả tụt giảm liên tục, trong khi chi phí sản xuất cao khiến áp lực kinh tế đè trên đôi vai người nông dân càng nặng thêm.

Điệp khúc được mùa - mất giá

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa rộng hàng trăm héc-ta đang vào kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Hoàn, nông dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng chua chát: "Vụ này gia đình làm 7ha lúa hè thu sớm, với năng suất như vậy hi vọng chúng tôi bớt được phần khó khăn, nhưng ai dè điệp khúc được mùa - mất giá luôn đeo bám lên đôi vai của người nông dân. Bỏ tiền đầu tư hơn 20 triệu đồng, vất vả một nắng hai sương hơn 3 tháng trời chờ ngày thu hoạch, nào ngờ giá cả xuống dốc không phanh". Với giá cả tụt giảm mạnh như hiện nay, không riêng ông Hoàn, mà nhiều nông dân khác ở xã Tân Hộ Cơ cũng cùng chung cảnh ngộ.

Gia đình anh Trịnh Văn Chiến, vừa thu hoạch hơn 2ha lúa hè thu sớm sạ giống thơm nhẹ (OM 900) cho biết: "So với những năm trước, năm nay, năng suất lúa có phần khả quan hơn, ước tính đạt 7 - 7,5 tấn/ha (lúa tươi) nhưng giá cả lại bấp bênh, giảm mạnh, cho nên lợi nhuận thu được cũng chẳng được bao nhiêu, trừ tiền đầu tư ban đầu phân, tro, thuốc, bọ... cuối cùng là về con số không". Theo tính toán của anh Chiến, đối với nông dân làm giỏi với điều kiện đất đai thuận lợi thì vụ hè thu sớm năm nay có thể kiếm được 2 - 5 triệu đồng tiền lãi/ha, còn đối với những khu vực điều kiện tự nhiên không thuận lợi thì chỉ có "lấy công làm lãi" thôi. "Tính thẳng ra, với mức lãi như vậy thì chúng tôi không đủ trang trải tiền phân, thuốc trừ sâu, chứ đừng hi vọng đầu tư cho vụ mới tiếp theo", anh Chiến cho biết thêm.

Nông dân xã Tân Hộ Cơ điêu đứng vì giá lúa hè thu năm 2013 giảm mạnh. Ảnh: Lê Đồng

Bà Nguyễn Thị Thắm, canh tác 10ha lúa hè thu, trăn trở tâm sự: "Gia đình tôi mới lên đây lập nghiệp nên không có đất sản xuất, phải đi thuê 10ha với giá 50 triệu đồng/năm. Hiện, lúa hè thu đang vào kỳ thu hoạch nhưng giá rớt tệ hại, nguy cơ lỗ đã trông thấy. Làm lúa 3 tháng mới được 1 vụ, vậy mà lỗ hoài, khiến những người nông dân như chúng tôi làm ăn không thể khá được". Hiện nay, không riêng gì gia đình bà Thắm mà hàng trăm hộ cùng hoàn cảnh phải thuê đất để canh tác không biết lấy đâu ra tiền mà chi phí, trang trải nợ nần và tiếp tục đầu tư cho vụ mùa mới.

Đang vào kỳ thu hoạch lúa. Tuy nhiên, giá lúa tươi giống IR50404, thương lái đến tận ruộng mua chỉ 4.200 đồng/kg, còn lúa tươi hạt dài 3.500 đồng/kg. Với giá này, nông dân sẽ bị lỗ nặng, vì vụ hè thu thường phải chi phí sản xuất cao hơn. Ngay cả những người nông dân làm lúa chất lượng cao trong vụ này cũng khó bán, do giá thấp. Theo những người dân ở đây, dù giá lúa thấp như vậy, nhưng muốn bán cũng không phải là dễ. Một số thương lái chỉ đến tham khảo giá cả, chứ không mua. Giá lúa quá thấp nên nhiều hộ có điều kiện kinh tế đã quyết định trữ lại chờ giá tăng thêm mới bán. Tuy nhiên, cũng không ít hộ đành bán lúa thơm với giá ngang ngửa lúa thường để trả nợ tiền vật tư nông nghiệp.

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Hồ Chí Cao, Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ cho biết: "Lúa xuân hè năm 2013 ở xã Tân Hộ Cơ đã thu hoạch được trên 2.000ha, nhưng giá lúa đang ở mức thấp, sức mua chậm, 1kg lúa tươi từ 4.400 đến 4.500 đồng. Nếu vỏ lúa bị sậm màu, hạt không no tròn thì thương lái lại mua giảm đi từ 200 đến 300 đồng/kg, lúa IR 50404 thì được mua cao hơn 100 đến 200 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, do giá lúa thấp, chi phí cao nên vụ lúa xuân hè năm nay bình quân lợi nhuận sụt giảm khoảng 50% so với cùng kỳ".

Thương lái chạy biệt tăm

Trong lúc nhà nông đang đau đầu vì được mùa - mất giá thì thương lái cũng đau buồn không kém. Nhiều thương lái bỏ tiền đặt cọc cũng phải chạy làng. Ông Lê Hữu Danh, một thương lái ở huyện Tân Hồng cho biết: "Khoảng 10 ngày nay, giá lúa rớt thê thảm, tôi và các thương lái khác phải bỏ cọc đến mấy chục ngàn tấn. Đau nhất vẫn là các thương lái mới vào nghề, vì đặt cọc rồi thì phải lấy lúa để giữ uy tín. Nhưng khi họ chở lúa về mà ruột gan đau như cắt ..." - Ông Danh kể.

Anh Trần Út, một tiểu thương ở huyện Tân Hồng đứng ngồi không yên, vì vừa qua, anh đặt cọc trên 200 tấn lúa ở xã Tân Hội Cơ với giá lúa từ 4.200 đồng/kg, hiện giảm còn 3.800 đồng/kg. Tuy nhiên, anh không bỏ cọc như nhiều thương lái khác, mà phải thu về để giữ chữ tín với nông dân. Kết quả, anh lỗ gần 70 triệu đồng. "Mình mua lúa của nông dân giá cao về chế biến thành gạo mong rằng sẽ kiếm được lời chút đỉnh, nào ngờ doanh nghiệp làm khó, thấy mình thất thế nên ép giá, lúc này phải ngậm đắng họng mà bán để quay vốn lại cho dân" - Anh Út bộc bạch.

Cũng theo nhiều hộ nông dân, do giá lúa liên tục sụt giảm, vì thế, thương lái mua lúa cũng giảm dần. Khoảng nửa tháng trước đây, lúa thu hoạch đến đâu là bà con bán xong lúa tươi đến đó, vì thương lái vào tận ruộng thu mua. Còn bây giờ, nếu muốn bán lúa thì phải tìm thương lái đặt cọc trước 3 ngày mới dám đem máy vào ruộng cắt. Nếu thu hoạch theo ý mình thì phải chở lúa về nhà phơi khô, sau đó mới bán được. Chính vì vậy, nhiều diện tích lúa tuy đã chín vàng đồng nhưng vẫn nằm chờ thu hoạch, nếu gặp mưa sẽ gây đổ làm thất thoát cho nông dân.

Đang vào mùa thu hoạch rộ, nhưng hàng ngàn hộ nông dân ở đây lại lâm vào cảnh điêu đứng do giá lúa hè thu giảm mạnh. Nhiều nông dân chấp nhận bán tháo, nhưng lúa vẫn rất khó tiêu thụ. Ngay thương lái cũng chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, khiến hàng loạt hộ nông dân thua lỗ nặng.

Vũ Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lua-rot-gia-nong-dan-dieu-dung/