Lửa nhiệt huyết qua những trang nhật ký

Với những chi tiết sống động và chân thực về chiến trường, cuốn nhật ký của cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 Chu Đức Trường, nguyên chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 là một kỷ vật quý. Dù cuốn nhật ký đã ố vàng vì thời gian, có trang phai mực nhưng nó vẫn vẹn nguyên cảm xúc cháy bỏng, lửa nhiệt huyết của người chiến sĩ trong cuộc chiến chống quân thù.

 Một trang trong nhật ký của cựu chiến binh Chu Đức Trường.

Một trang trong nhật ký của cựu chiến binh Chu Đức Trường.

Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, như bao thanh niên thời ấy, năm 1971, Chu Đức Trường, quê ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, Đức Trường được biên chế về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9 và lên đường vào Nam chiến đấu. Trên đường hành quân, Đức Trường đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc vào cuốn nhật ký, những tâm tư, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn của mình. Cuốn nhật ký giản dị, được viết bằng văn xuôi và thơ, phản ánh cuộc sống và chiến đấu của anh từ khi lên đường ra trận đến những tháng ngày khốc liệt nhất giải phóng Quảng Trị năm 1972.

Hăng hái ra trận với tâm hồn lãng mạn và tâm thế quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 25-9-1971, anh viết: "6 giờ 40 phút, đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh rời khỏi ga Thường Tín đưa những người con thân yêu ra đi làm nhiệm vụ vinh quang của Tổ quốc, tất cả tình thương yêu gửi lại những người hậu tuyến…" và lý tưởng của người thanh niên trước vận mệnh Tổ quốc: "Dù có phải hy sinh đi chăng nữa thì đời e chỉ sống một lần, trong cơn lửa thử vàng, gian nan thử sức này, nó sẽ dạy tôi hiểu thêm thế nào là lẽ sống làm người".

Trong nhật ký có nỗi nhớ gia đình, quê hương da diết: "Đêm nay trời vắng trăng sao/ Nỗi lòng người lính nao nao nhớ nhà/ Nhớ bao kỷ niệm đã qua/ Biết bao kỷ niệm xóa nhòa năm xưa" (ngày 25-9-1971). Sự khốc liệt của chiến tranh, niềm đau xót trước sự hy sinh của đồng đội khiến Đức Trường có những giây phút băn khoăn, lo lắng, thế nhưng anh luôn mang trong mình một nghị lực phi thường để vượt qua gian khó, ý chí quyết chiến và quyết thắng không gì lay chuyển nổi: "Đổ máu đào để giành lại mùa xuân/ Tất cả vì dân, vì ngày mai tươi sáng/ Nguyện hiến mình cho độc lập, tự do/ Đã xông lên, xốc tới, đạp đầu thù" (ngày 13-12-1971).

"Mùa hè đỏ lửa" năm 1972, Đức Trường tranh thủ ghi lại diễn biến những lần ta giành nhau với địch từng tấc đất, khi bầu trời Quảng Trị mù mịt khói, mặt đất Quảng Trị ngày đêm rung lên vì bom đạn. Mở đầu chiến dịch, ngày 30-3-1972, Đức Trường viết với niềm lạc quan vào chiến thắng: "Chiến dịch đã mở màn, ngày và đêm pháo binh Quân Giải phóng tới tấp đánh vào các cứ điểm Đông Hà, Cửa Việt, Đầu Mầu, 241… Cồn Tiên, Dốc Miếu. Các cứ điểm trên lần lượt được giải phóng, chỉ trong mấy ngày, tuyến phòng thủ phía bắc Quảng Trị đã giải phóng, chúng mình hiên ngang đi trên Đường 9, bước đầu ước mơ đã thực hiện được…".

Dũng cảm phối hợp cùng đồng đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 13-9-1972, Đức Trường bị thương nặng, đạn xuyên vào mắt nên anh phải chuyển ra tuyến sau, không thể tiếp tục chiến đấu. Những tháng ngày sau đó, Đức Trường liên tục di chuyển qua các trạm xá để điều trị, đối mặt với nhiều lần phẫu thuật. Thế nhưng với Đức Trường, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời là "còn gì sung sướng hơn khi mình được góp phần làm nên chiến thắng".

Chiến tranh đã lùi xa nhưng khi đọc những trang nhật ký còn nóng hổi hơi thở chiến trường của cựu chiến binh Chu Đức Trường, tôi hiểu thêm về những con người đã sống, chiến đấu với tất cả nhiệt huyết, nghị lực, xương máu của mình cho độc lập, tự do của dân tộc.

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/lua-nhiet-huyet-qua-nhung-trang-nhat-ky-614821