Lúa đông xuân ở ĐBSCL: Chờ vụ mùa bội thu

Trung tuần tháng 2-2019, nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch lúa đông xuân. Đây là vụ lúa chủ lực trong năm. Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp gần như chưa khởi động thu mua nên giá lúa có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều năm gần đây.

Trong khi đó, giá lúa thơm, lúa trồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp được mua với giá khá cao. Đây là một xu thế tích cực khi người trồng lúa và doanh nghiệp đang dần liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu và bao tiêu đầu ra.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân sớm Ảnh: CAO PHONG

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân sớm Ảnh: CAO PHONG

Lúa thơm được “đặt cọc” giá cao

Sau Tết Nguyên đán, một số nông dân lo lắng khi chưa thấy bóng dáng thương lái trong khi lúa sắp chín đồng. Giá lúa giảm nhẹ 200 - 500 đồng/kg so với trước tết. “Lúa sắp thu hoạch nhưng rất ít thương lái tìm đến đặt cọc hỏi mua”, ông Điền Văn Bảnh, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, băn khoăn. Đây là điều dễ hiểu, vì sau tết, các doanh nghiệp đang loay hoay khởi động vào vụ thu mua nguyên liệu.

Vụ đông xuân 2018-2019, nông dân ĐBSCL xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, năng suất dự kiến đạt khoảng 11 triệu tấn. Sau tết, giá lúa được thương lái mua tại ruộng dao động 4.500 - 5.800 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Đáng chú ý, tại An Giang, lúa Nàng Nhen (một đặc sản của địa phương), được thương lái mua đến 10.000 đồng/kg. Hiện giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam 325 - 342USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 25% tấm. Mức giá này thấp hơn Thái Lan 40 - 50USD/tấn. Riêng giá gạo Jasmine của doanh nghiệp Việt Nam ở mức khá cao 458 - 462USD/tấn. Trong quý 1-2019, Philippines vẫn là thị trường chính để các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến khi các công ty tư nhân nước này được phép nhập khẩu 1 triệu tấn gạo. Gạo OM5451, Đài Thơm 8 và nếp của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở thị trường Philippines.

Dù đang có những thách thức nhất định trên thị trường xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm 2019 nhưng các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra khá tự tin khi thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa với nhiều phân khúc xuất khẩu gạo. Đặc biệt là gạo thơm. Hiện gạo thơm chiếm đến 38% trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam, cao hơn 30% so với cách đây 7 năm. “Hiện có khoảng 10.000/70.000 ha lúa đông xuân trên địa bàn được các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với giá có lợi cho nông dân. Trong đó, lúa thơm ST24 được một doanh nghiệp tại TPHCM bao tiêu mua với giá 6.000 đồng/kg”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, phấn khởi cho biết. Theo ông Tuyên, hiện nay lúa đông xuân được xuống giống theo kỹ thuật “sạ hàng như cấy” đạt hiệu quả rất cao. Phương pháp sạ hàng này giúp giảm hơn 50% lượng giống, giảm khoảng 50% lượng phân u-rê.

Đột phá từ vùng nguyên liệu

Trong những năm gần đây, việc các doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, giống gắn với bao tiêu đầu ra cho hạt lúa được xem là khâu bứt phá tại vùng trồng lúa ĐBSCL. Các hợp đồng bao tiêu này đã góp phần đáng kể làm giảm áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa khi vào vụ thu hoạch rộ. Đây cũng là một trong những chuyển biến tích cực của thị trường lúa gạo Việt Nam. Qua đó, lúa bị ùn ứ gần như không còn, Chính phủ không phải đưa ra giải pháp tình thế “mua lúa gạo tạm trữ” như trước đây. Mô hình cánh đồng mẫu lớn do Bộ NN-PTNT phát động được doanh nghiệp, HTX, nông dân và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL tích cực thực hiện gặt hái được nhiều kết quả rất ấn tượng. Rõ nét nhất là hiện nay nông dân chỉ mới gieo sạ là đã bán được lúa với giá tốt.

“Mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết chuỗi giá trị, là phương thức sản xuất tiến bộ, là giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vài năm gần đây cũng theo đó tăng trưởng khá tốt. Chính từ mô hình sản xuất này, đã tạo ra được những sản phẩm gạo có chất lượng và giá trị cao, cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trên thế giới”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định. Ông Bình đề xuất: “ĐBSCL cần xây dựng một lực lượng nòng cốt từ 15 đến 20 doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đầu tư 40.000ha - 50.000ha cánh đồng mẫu lớn liên kết. Hàng năm lực lượng doanh nghiệp nòng cốt này cùng với HTX, nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất ra được khoảng 12 - 14 triệu tấn lúa sạch (tương ứng 6,5 - 7 triệu tấn gạo) để chủ động xuất khẩu gạo”.

Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã và đang đầu tư một cách chuyên nghiệp vào vùng lúa nguyên liệu ĐBSCL. Các doanh nghiệp như Gentraco, Tập đoàn Lộc Trời… đã đầu tư hơn 100.000ha theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Vị thế của nông dân tham gia mô hình này đang dần thay đổi, không còn lệ thuộc vào thương lái mà có quyền quyết định bán sản phẩm do mình làm ra vào lúc nào và với giá nào. Doanh nghiệp cũng chủ động thu mua lúa với khối lượng lớn, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo được tính an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây được xem là khâu đột phá từ vùng nguyên liệu lúa gạo ĐBSCL cung ứng chủ lực cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

KIẾN NGHỊ BƠM VỐN THU MUA LÚA CHO NÔNG DÂN

Trước tình hình lúa đông xuân đầu vụ đang thu hoạch chậm, ngày 13-2, UBND TP Cần Thơ đã họp với lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng, các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo trên địa bàn để bàn hướng giải quyết. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện nhu cầu bán lúa của nông dân rất lớn. Để giải quyết việc mua lúa của nông dân, cần số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn và cần sự hỗ trợ của ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ, các ngân hàng thương mại cần làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm giải pháp tăng hạn mức tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các thỏa thuận cho vay trước đó, để doanh nghiệp có tiền mua lúa của nông dân trong thời gian ngắn nhất.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lua-dong-xuan-o-dbscl-cho-vu-mua-boi-thu-575566.html