Lửa đất nung

Ông Huỳnh đã dọn đồ nghề qua bên kia sông từ lâu.

Đồ nghề của ông lỏng chỏng mấy cái khuôn đúc, bàn xoay gỗ, năm bảy bao tời bằng vải bố, cái ảng xi-măng cũ đựng nước, hai xe bò đất sét và hơn chục bó củi đốt. Thêm một cái giá gỗ lớn trông như kệ sách đặt chình ình giữa nhà. Trên đó ông bày biện nhiều loại lọ bình, lu chậu mang những hình dáng khác nhau, cái cao cái thấp, cái vuông vuông, cái tròn tròn. Có hình khối dài uốn khúc trông như rồng chập chờn trên đầu sóng. Có dáng từa tựa như loan như phụng vờn mây. Tất cả đều nâu đậm, không đều, nhiều cái màu cháy xỉn, đen lìm lịm tro than, lửa nướng.

Mấy tháng đầu đến ở đây, ông không tiếp xúc với ai. Hàng xóm cứ thấy ông lui cui bên đống gạch vữa sau nhà. Ông xây cái lò to đùng. Cái lò gạch có bề ngang nhỏ hơn lò bánh mì nhưng cao nghễu, nhiều tầng. Tầng nào cũng cao hơn sải tay. Chỉ có tầng sát đất là rộng và sâu. Đó là chỗ để đốt củi. Ngày qua ngày, ông Huỳnh không mấy khi nấu nướng cái ăn mà căm cắm đốt củi. Thấy lạ nhưng không ai muốn quấy rầy ông.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người trong xóm tái định cư sống bằng nghề cá. Cứ hai mươi người thì mới có một người có tàu đi biển. Còn lại, đi phụ tàu, mót lưới, bắt ốc hay câu vớt mấy con cá lòng tong ở mép sông. Chiều chiều, họ kê bàn rượu gạo với cá khô đặt xéo xéo trước cửa nhà ông ngóng chừng, ông vừa bước ra là có người xô bàn đứng lên, đưa tay mời lấy mời để. Mọi khi ông Huỳnh cười chào rồi đi thẳng một hơi không ngó lui. Ông rú ga chiếc Honda cà tàng qua sông, về nhà ở đâu đó bên phố, ngủ. Sáng chưa bảnh mắt đã nghe tiếng bình bịch, khàn hơi của chiếc xe đó đưa ông trở lại đây. Ông lại đóng sầm cửa ngõ như mọi khi và lấy đất sét ướt trong chiếc ảng ra chăm chú nặn lu nặn tượng, say sưa như con nít nghịch đất. Dạo gần đây, tính tình ông khang khác. Ở lại đêm nên mấy chiều nay không thấy ông rú ga tất tả về như mọi bận. Ông Huỳnh ngồi chung rồi cùng nâng cốc rượu đế nốc cạn. Khi cao hứng, ông chơi một vài câu hát, tay vỗ nhịp cồm cộp điệu nghệ trên mép bàn "Lòng trần còn tơ vương khanh tướng. Thì đường trần mưa bay gió cuốn. Còn nhiều anh ơi...".

Thấy ông vui, tay chuyên chơi đàn bắt chuyện: "Mới thấy chiếc taxi đưa bà khách tới thăm lò nướng của ông, có bán được cái bình đất nào không?"; "Không, bà ấy vội vã quá...". Ông Huỳnh ngần ngừ một chút, rồi thêm: "Bả sợ chuột!". Cả bàn rượu cười ngất: "Tưởng ông trúng mánh, ai dè!". Cũng tại cái khu "đô thị" bị thả nổi nầy không ai thèm nhớ tới, quanh đây, chuột ở đông hơn người. "Nuôi một con mèo hay con chó để đuổi chuột bớt đi, ông đất nung!". Ừ há, sao không mang con vật nuôi nào về dọa chuột? Ông Huỳnh gật gù đồng tình, không lẽ cứ còng lưng ra hốt cứt đái chuột hằng ngày. Nếu ông ở lại đêm, có hơi người, tối tối, liệu mống cậu tý nào to gan dám nhào vô nhà ông ăn ở, chí chóe giỡn hớt rồi hè nhau vãi cứt đái cả gian phòng, mùi thối ẩm trong tường hôi rình cả tháng?

Nói vui cho qua chuyện thôi chứ tật dị ứng với mùi chó mùi mèo nơi ông Huỳnh khá nặng nề, chỉ thoáng qua mũi là ói. Ông chỉ hạp với mùi hương nhừa nhựa thơm thơm, nồng nồng thoang thoảng tỏa ra từ những khối đất sét vàng, ướt nhão ủ trong cái bể xi-măng.

Mấy tháng trước, ông Huỳnh không ở lại đây đêm nào. Ông cứ qua lại đôi bờ đều đặn. Nhà ông bên phố. Căn nhà vợ ông mới xây cất khi ông bận mang những thứ chai nồi đất nung của ông qua chào hàng bên kia bờ Đại Tây Dương. Khi trở về thì căn nhà đã làm xong. Cái lò đất nung của ông nằm sau vườn căn nhà cũ đã bị thay thế bằng một phòng vệ sinh, rộng rinh với các thiết bị tiện nghi. Bồn tắm lồng kính, vòi sen xả nước nóng nước lạnh hiện đại. Bốn con chó của vợ ông ra chiều thích ý mỗi khi bà vợ ông tắm cho chúng. Nước ấm và xà phòng thơm phức. Vợ ông thương yêu vật nuôi đến phải biết. Bà dặn chừng ông: "Người ông đầy đất sét, ông không nên tắm ở đây, đất sét làm nghẽn hầm rút, phải đập cả nhà ra mà sửa đường ống đấy. Qua bên kia sông, chỗ cái lò nung của ông mà tắm gội!".

Đó chỉ là một trong mấy chục nguyên tắc "sử dụng nhà mới" được bà vợ lặp đi lặp lại vào tai ông ngày này qua ngày khác. Sờ vào đâu cũng gặp phải nguyên tắc. Thấy ông Huỳnh im thin thít hằng tuần, vợ ông dấm dứ: "Đừng ỷ đi Tây đi Mỹ về rồi cứ vênh vênh cái mặt như ông nghè, ông tổng ở đây!".

Ông Huỳnh vẫn lặng thinh, ông nào đã từng vênh váo với ai. Cả đời chỉ biết ngó xuống. Người ta mời thì đi. Mấy bà bán bánh xèo, bánh nậm còn được mời đi Mỹ thi tài nấu nướng không cứ chi phải là ông tổng, ông nghè. Được dịp qua tận bên xứ người giới thiệu mấy sản phẩm đất sét của mình làm ra mà bỏ lơ sao đành. Nhưng ông Huỳnh cũng bấm bụng ăn năn khi để mặc bà một mình lo toan mọi chuyện xây cất. Để vui lòng vợ, ông Huỳnh nói hùa theo lời khen khách sáo của hàng xóm. Khen từ thiết kế căn nhà đến khoảng sân, cánh cửa, cầu thang, căn bếp. Khen màu sơn vui, nhẹ nhàng, thoáng đãng. Khen màu gạch hoa lót nền nhà bóng bẩy chí trong tận ngoài. Nhưng suốt buổi tiệc ra mắt nhà mới với xóm giềng hôm ấy, ông nuốt không trôi một miếng. Rượu thịt đắng chát trong họng. Ông chạnh lòng nghĩ tới việc phải tiếp tục làm lại cái lò nung ở bên kia sông. Làm lại từ đầu, một cái lò bằng gạch mới, ráo hoảnh, nguội tanh và phải đun lửa không biết đến bao giờ mới bằng nhiệt độ như cái lò cũ, để nung chín cứng một cái lọ đất sét con con.

Nhiệt độ trong lò nung cũ của ông luôn ủ nóng mức cao nhất, chỉ cần vài thanh củi gợi lửa là nhiệt độ trở lại mức cần thiết: 1.100 độ C. Hơn chục năm trước nó giúp cả gia đình ông qua cơn túng đói. Mỗi ngày nó nướng đỏ giúp ông vài trăm con tò-he, người Trung hay gọi là tu-huýt. Tu-huýt bằng đất sét ròng, phơi khô, con nít thổi vài lần là bỏ. Đất sét ướt nước miếng nhòe nhoẹt đen thui cả răng lẫn lợi. Còn tu-huýt của ông đã chịu đủ lửa, đập xuống đất chưa chắc đã vỡ còn được tô thêm màu trên mỏ trên đuôi. Tu-huýt bán chạy như tôm tươi trước các cổng trường tiểu học. Đến mùa hè, sân trường vắng hoe, ông Huỳnh chuyển qua làm lò nấu củi. Đặc biệt, lò nấu củi của ông vừa nung đủ lửa vừa kiềng chung quanh lớp mạ kền sáng choang, chúng quyến rũ hầu hết các bà nội trợ, cư dân lao động trong khu phố. Ai ngờ sau đó, cái lò củi đất nung có kiềng mạ kền của ông Huỳnh lại đoạt được giải thưởng cấp thủ đô mang tên "Sáng kiến, cải tiến khoa học, kỹ thuật", kèm theo số tiền thưởng, dĩ nhiên không lớn bằng kích thước cái bằng chứng nhận giải in màu xanh đỏ tím vàng có ghi tên ông to đùng ở hàng trên. Ông lồng khung kính tấm bằng rồi treo ngay trên cửa lò. Bây giờ có lẽ nó đã bị chôn cứng hay rã mục đâu đó dưới đống xà bần của cái lò nung cũ.

Lâu ngày vắng nhà, có lẽ khi bà vợ chán hủ hỉ với mấy con chó, chắc sẽ nhớ đến ông. Trừ những lúc đi xa, hai người có bao giờ sống rời nhau nửa bước. Ông tính chuyện ở lại thâu đêm bên cạnh lò nung là phải. Ông cũng có nguyên tắc của riêng ông. Chỉ cần lửa tắt là tụt dốc, đi đời nhiệt độ mới nhích lên trong lò mấy tuần qua. Chưa mùa đông nào mưa dai dẳng như mưa mùa này, cái lò nung lại ướt chèm nhẻm. Nước chảy ròng ròng bốn phía.

Cái tượng đất nung chân dung cô gái mà ông Huỳnh giữ gìn hơn mấy mươi năm qua, không biết vì sao bị vỡ nửa mái tóc, vết xước nứt đến vành tai. Bức tượng chân dung luôn mang theo kỷ niệm của ông lần đầu tiên về xứ Quảng: "Về Quảng Nam nhé, em chờ ở trạm xá Duy An". Cô ấy hẹn.

Vào thị trấn Nam Phước, xuống xe, đi bộ một quãng, rẽ trái, đi thêm một đoạn nữa là đến. Cô y tá trẻ ở trạm xá Duy An cất tiếng chào ông rồi nói: "Cô ấy đã về Duy Trung!". Ông lại cuốc bộ dưới nắng hanh. Trong túi ông chỉ còn vỏn vẹn 5 hào, số tiền vừa đủ cái vé trở về phố, không thể đổi nó lấy hai cây kem dù ông đang khát cháy họng. "Cô ấy lên Duy Sơn rồi!", chưa đến trạm xá Duy Trung, hỏi thăm đã nghe như thế. Quày trở huyện lộ tìm đường lên Duy Sơn… Kể từ đó ông không còn gặp cô ấy nữa.

Cái tượng bể sứt nửa mái tóc ngày nào cũng nhìn ông với đôi mắt ẩn chứa ăn năn lẫn sự nhắc nhở. Dù nắng hay mưa cũng phải chỉnh sửa bức tượng chân dung lành lặn trở lại. Ông Huỳnh tự nhủ lòng mình rồi lum khum nhóm củi lửa, lấy hơi thổi phù phù qua cái ống tre to tổ chảng. Bờ vai gầy guộc dưới mái tóc dài rối mù rung lên từng đợt. Ông lấy lại hơi cho đầy buồng phổi, tiếp tục thổi, thổi riết. Lửa chợt reo bừng sau bóng khói. Lửa nổ lốp bốp, tung tóe như pháo cải. Lửa hắt thành quầng trên hố mắt sâu. Lửa ánh lên trong đôi mắt nhòe nhoẹt nước của ông lão ngoài sáu mươi đẫm đầy than bụi.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/lua-dat-nung-20190720204558581.htm