Lừa đảo mua sắm online dịp cuối năm: Không đặt hàng vẫn nhận 'cú lừa thế kỷ'

Không hề có tài khoản giao dịch trực tuyến trên Sen Đỏ, càng không đăng lý mua hàng, chị L.P.D. (Hà Nội) vẫn nhận được đơn hàng giao tận tay với đầy đủ thông tin cá nhân trên phiếu nhận.

Đáng chú ý hơn, sản phẩm mà khách hàng nhận được trong đơn hàng “phụ kiện thời trang” là một chiếc kẹp giấy và có giá… 79.000 đồng!

Điều bất thường từ Sen Đỏ

Trên trang Facebook cá nhân, chị L.P.D. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ sự bức xúc khi vừa trở thành nạn nhân của một hình thức có dấu hiệu lừa đảo tinh vi. Theo đó, trong ngày 7/1, gia đình chị D. nhận được một bưu phẩm ghi được gửi từ hệ thống giao dịch thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo.vn). Do chị D. không ở nhà, trên tờ phiếu giao nhận lại ghi đầy đủ thông tin cá nhân của chị (từ họ tên, số điện thoại, địa chỉ…), và số tiền phải trả chỉ là 79.000 đồng nên gia đình đã thanh toán luôn mà không cần xác minh.

Đơn hàng từ Sendo mà chị D. nhận được ghi là "phụ kiện thời trang" nhưng bên trong là chiếc kẹp giấy.

Thế nhưng, đây là điều vô cùng bất thường. Bởi lẽ, chị D. khẳng định bản thân không hề có bất cứ tài khoản nào trên Sen Đỏ, càng không thực hiện giao dịch mua hàng. Chị D. cho biết, phía Sen Đỏ cũng xác nhận thông tin này. Thế nhưng đơn hàng “phụ kiện thời trang” từ một shop được đăng ký trên Sen Đỏ địa chỉ ở Thái Nguyên vẫn có đầy đủ các thông tin cá nhân của khách hàng.

Khi mở hộp bưu phẩm, chị D. ngỡ ngàng vì bên trong chỉ có một chiếc kẹp giấy trong đơn hàng phụ kiện thời trang này. Và thật điên rồ, chiếc kẹp giấy này có giá 79.000 đồng, trong khi với số tiền kể trên, chị có thể mua được khoảng 50 chiếc! Chị D. khẳng định, với việc shop bán hàng và Sen Đỏ ghi rõ các thông tin cá nhân của mình thì đây chắc chắn không phải sự nhầm lẫn, mà có điều bất thường cần phải làm rõ.

Chị L.P.D. vô cùng bức xúc cho biết: “Điều vô cùng bất ngờ là tôi không hề có tài khoản nào trên hệ thống Sen Đỏ, tôi cũng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua đó, vậy mà lại có đơn hàng lừa đảo gửi đích danh tôi”. Từ đó, vị khách hàng bất đắc dĩ này đặt câu hỏi: “Thông thường để mua bán trên các chợ online phải có xác nhận đơn hàng qua nhiều kênh (tài khoản trên app, email hay số điện thoại) nhưng mình đâu có tài khoản gì nên đương nhiên không xác nhận ở kênh nào cả. Vậy Sendo.vn căn cứ vào đâu để xác lập đơn hàng gửi cho mình”?

Cẩn trọng trong giao dịch, mua bán online

Điều đáng nói, những trường hợp như chị L.P.D. đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngay trong bài viết của chị D., có thêm một trường hợp cũng lên tiếng tố cáo rằng bản thân là nạn nhân của phương thức lừa đảo tương tự. Thậm chí chúng còn ngang nhiên gửi đến công ty để mong có người nhận giúp, dù nạn nhân biết đây là hình thức lừa đảo nên đã cố tình không nhận hàng.

"Quà tặng" mất 40.000 đồng tiền phí của anh V.T. là chiếc dây chuyền giả bạc.

Một tài khoản Facebook có tên V.T. chụp lại toàn bộ hình ảnh hóa đơn mua hàng cùng dòng trạng thái bức xúc: “Xuất hiện tình trạng lừa đảo. Đầu tiên gọi điện thoại đến kêu được tặng quà. Phí nhận 40k (40.000 đồng). Nhận thì ra dây chuyền “cùi bắp” giá chắc 2k (2.000 đồng). Không hiểu sao thông tin mình và vợ bên lừa đảo có mới hay. Mình và vợ trong lúc nói chuyện đã biết lừa đảo, kêu không nhận rồi. Ai dè nó gửi đến công ty có người nhận dùm mới đau”.

Như vậy, cần đặt ra một câu hỏi: Từ đâu mà những kẻ lừa đảo có thông tin từ khách hàng, thậm chí ngay cả khi không đăng ký sử dụng hoặc không giao dịch như trường hợp của chị L.P.D. hay anh V.T? Đây là câu hỏi cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bởi vấn đề đánh cắp thông tin cá nhân là vô cùng nguy hại, và những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có thể còn ở mức độ nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, cần đặt ra câu hỏi về vai trò của các đơn vị trung gian, bởi đây là sàn giao dịch tạo kết nối cho các cửa hàng kinh doanh và khách hàng để thực hiện việc mua bán trực tuyến.

Lâu nay vấn đề mua bán trực tuyến tại Việt Nam luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về vấn đề này, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định còn khá nhiều vi phạm trong thương mại điện tử ở Việt Nam. Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng, nếu thực hiện mua bán online thì chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế… Còn với các trường hợp bị lừa đảo kể trên, cách tốt nhất là đưa đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra và được giải quyết thỏa đáng.

Uyên Chi

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/lua-dao-mua-sam-online-cuoi-nam-khong-dat-hang-van-nhan-cu-lua-the-ky-d153607.html