Lửa đã tắt nhưng tàn tro còn nóng

Đất đai muôn thủa là vấn đề phức tạp. Tích tụ, tập trung để sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao liên quan đến việc thuê hay mua đất của hàng trăm, hàng ngàn hộ gia đình lại càng phức tạp bội phần.

Một thủa căng như dây đàn

“Ông sắp về hưu rồi, bán đất của dân để mua nhà cho con ở Hà Nội đấy chứ thiết gì dân nữa!”. Những tiếng chửi lẽo nhẽo bám theo ông Ngô Văn Lâm - nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo tích tụ ruộng đất của xã Xuân Khê (Lý Nhân, Hà Nam) dai như đỉa đói. Ông bảo cách đây 3 năm đi đâu dân cũng chửi đã đành mà họ còn kéo đến tận nhà để chửi tiếp.

Một nông dân ở trong diện thu hồi cho thuê đất

Đã thế, khi thấy tỉnh chậm trễ trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào của dự án như đã hứa doanh nghiệp còn định bỏ cuộc dù đã đầu tư vào 10 - 15 tỉ đồng. Việc thi công bị tạm dừng mất 3 ngày khiến ông Lâm mất ăn, mất ngủ bởi tích tụ dở dang cũng đồng nghĩa không có đường nào để mà đi, mà về nữa. Ông vội lên tận tỉnh, gặp Bí thư Tỉnh ủy báo cáo: “Tôi với đồng chí đều là đảng viên, đã nói là phải đi đôi với làm, đã chủ trương đúng là phải tập trung vào thực hiện”.

Bí thư tỉnh tiếp thu những lời gan ruột ấy và đồng ý tiếp tục hỗ trợ. 23 Tết năm 2016 khi mọi việc đã xong đâu vào đó, xã Xuân Khê được động viên hẳn 1 con lợn 60kg để úy lạo tinh thần cho cán bộ. Tâm đắc về cách làm của địa phương mình ông Lâm còn viết báo cáo và được cấp trên cho in hẳn vào sách kỷ yếu để các nơi khác học tập. Khoảng 200 đoàn khách trong tỉnh, ngoài tỉnh tụ về, tấm tắc thán phục nhưng đa số lắc đầu kêu khó bởi sợ đụng chạm đến dân.

Tôi về Xuân Khê sau khi những khoảnh ruộng cuối cùng đã được doanh nghiệp thuê rào dậu cẩn thận, bên trong đã mọc lên các khu nhà kính khổng lồ lấp lóa sáng dưới ánh nắng mặt trời. Ngọn lửa đấu tranh năm nào giờ đã chấm dứt hoàn toàn khi 21 hộ cuối cùng phản đối chịu bàn giao đất nhưng tàn tro của nó vẫn còn hơi ấm. Vợ chồng bà Đỗ Thị Nhuận ở xóm 7 thuộc về một trong số đấy, thậm chí họ từng bị liệt vào dạng trưởng nhóm “cứng đầu, cứng cổ”.

Ông chồng bảo: “Đất của chúng tôi là miếng gan, miếng tiết bởi mỗi năm trồng được 2 vụ lúa, 1 vụ đông. Thóc để người ăn, số thừa dành nuôi 4 con lợn sề, lợn con đẻ ra nuôi thành lợn lớn. Thêm vào đó 1 vụ đông cũng thu được vài triệu/sào. Chúng tôi bới đất lật cỏ, lấy cái nọ nuôi cái kia để nó nẩy nở lên thành nhà, thành cửa, nuôi con, nuôi cái chứ không có buôn bán, làm thêm gì cả”.

Lý giải về chuyện hai, ba năm trước phản đối kịch liệt việc cho thuê đất, ông phân tích: “Nếu được thỏa thuận giá thuê 20 năm phải trên 30 triệu/sào chứ không phải chỉ 21 triệu/sào. Số ít đồng ý cho thuê đất phần lớn là ông già, bà cả không còn sức lao động hay những cán bộ đã có lương.

Còn số đông phản đối, chống mai, cuốc đứng đen ngòm cả cánh đồng nên vụ ấy họ chấp nhận cho cấy, dân thu được mấy trăm tấn thóc nhưng rồi lại bị ép. Họ múc đất chặn ngay ở đầu máy bơm không cho nước vào, không cho máy xuống đồng. Khi dân thuê máy từ nơi khác về liền bị cấm cản. Đang cuốc đất vạc bờ tôi cũng bị công an xã thu cả cuốc”.

“Nếu thu hồi đất để làm công trình phục vụ cho lợi ích công cộng chúng tôi sẽ chấp hành nhưng đằng này lại cho doanh nghiệp thuê, vì lợi nhuận thì phải thỏa thuận giá với dân”, bà Đỗ Thị Nhuận - người dân ở xóm 7, xã Xuân Khê.

Cùng đường, vợ chồng ông đào móng định xây tường bao quanh đám đất của mình để tự bơm nước, tự cấy cày nhưng khi những đám ruộng xung quanh được bàn giao hết, họ buộc phải buông tay.

100% đất vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao giờ đã được giải phóng xong mặt bằng, rào dây kẽm gai, cắm biển cấm chụp ảnh. Các khu mộ ở bên trong dân chỉ được thăm nếu có bảo vệ ra mở cổng.

“Mỗi ngày cho thuê đất tính ra chỉ được khoảng 3.000 đồng/sào, không đủ mua 1 gói mì tôm trong khi đó ruộng cho thuê lắm chỗ chỉ cắm vài cây dây lang, lá nốt, cỏ tốt ngập lên, nhìn thấy mà xót xa”, bà Nhuần cảm thán.

Cũng nằm trong số những người phản đối dự án, chị Trương Thị Vân ở xóm 7 kể: “Chính quyền bảo những hộ trong vùng quy hoạch nếu không đồng ý thì có thể dồn dịch ra ngoài để đổi đất nhưng phần lớn diện tích đó chỉ có thùng vũng nên chúng tôi không đồng ý”.

Sau khi dồn dịch được một ít đất tốt làm vườn, thấy chỗ đổi cho còn lại đất xấu quá chị Vân đành tặc lưỡi chấp nhận ký giấy cho thuê ruộng nhà mình, cầm 70 triệu đem gửi tiết kiệm. Cũng còn may cho chị bởi nhiều hộ sau khi cho thuê đất đã đầu tư nuôi lợn nhưng gặp đợt giá xuống còn 17.000 đồng/kg nay đã cạn tiền.

Những hộ muốn cho thuê đất, họ là ai?

Khác hẳn với bà Nhuần, chị Vân, ông Ngô Phúc Ánh ở xóm 7 lại rất muốn cho thuê 5 sào ruộng của mình phần bởi con cái thoát ly hết, phần bởi hiệu quả trồng lúa chẳng được bao lăm.

Ông Ánh bên thửa ruộng hoang

Ông nhẩm tính chi phí cho 1 sào lúa gồm: Cày bừa 100.000 đồng, giống 50.000 đồng (nếu là lúa thuần), làm mạ 50.000 đồng, cấy 200.000 đồng, phân bón 100.000 đồng, dịch vụ HTX 60.000 đồng, thuốc BVTV và công phun 120.000 đồng, gặt máy 100.000 đồng (nếu ruộng cạn) hoặc gặt tay 250.000 đồng/sào cộng phụt lúa 50.000 đồng nếu ruộng ngập tất cả hết ít nhất khoảng trên 800.000 đồng. Trong khi đó nếu được mùa năng suất đạt 2 tạ nhân với 7.000 đồng/kg thóc được 1,4 triệu còn bình thường chỉ đạt 1,5 - 1,7 tạ/sào là hòa hoặc lỗ.

Bởi thế mà dù mời người khác cấy nhưng ai cũng chối nên ông đành phải bỏ ruộng hoang cho tứ bề sạt lở, cỏ mọc lan tràn. Ông bảo: “Cánh trẻ giờ đi công nhân hết, lương tháng trung bình 5 - 6 triệu mà ô tô đưa đón tận làng còn cánh già làm công nhật cho công ty rau sạch ngày 8 tiếng cũng được 135.000 đồng nên chẳng thiết tha gì cấy lúa. Trong khi đó nếu cho thuê 5 sào ruộng tôi được hơn 100 triệu, đem gửi tiết kiệm cũng được khoảng 6 triệu lãi mỗi năm, thừa sức đong ngót 1 tấn thóc”.

Thấy cách “cấy ở ngân hàng” đó ngon ăn nên mấy năm trước ông xung phong cho thuê ruộng. Ngày nhà ông chuẩn bị liên hoan bỗng xảy ra chuyện nhiều hộ khác phản đối kịch liệt. Dự định đợt 3 cho thuê hơn 70ha đất của Xuân Khê vì thế bị rút xuống còn 55ha khiến ông cứ tiếc mãi.

Sức ép ngày ấy mạnh đến nỗi anh Trương Văn Thắng - Trưởng xóm 7 nơi có 25 mẫu đất nằm trong quy hoạch cứ nằng nặc xin bàn giao sổ sách, từ chức: “Ban đầu khoảng 50% người đồng thuận vì thiếu lao động hay vì là cán bộ các ban ngành còn lại 50% phản đối việc cho thuê đất. Những người này có đất xen kẹt trong vùng quy hoạch nhưng không chịu di dời nên cũng chịu nhiều sức ép. Họ tổ chức họp ở nhà văn hóa thôn nhưng cửa khóa liền tụ tập ngoài sân, mượn cả máy phát điện để thắp sáng, thu hút các hộ xóm khác đến dự. Nếu bán đứt với giá khoảng trên 60 triệu/sào thì tôi tin 100% dân sẽ đồng thuận bởi họ thấy cho thuê ruộng nhưng xe chở đất đá cứ đổ nâng cốt lên cao hơn nửa mét, lại cho đào ao to chứa nước tưới, xây dựng nhà xưởng, kho bãi nên sợ sau này không biết có còn cấy lúa được nữa không?”. Cũng theo anh Thắng có hàng trăm hộ trong thôn liên quan đến cho thuê đất nhưng chỉ khoảng 7 - 8 lao động được nhận vào khu, chủ yếu là trung tuổi trở lên.

Tới nay khu Xuân Khê - Nhân Bình của huyện Lý Nhân đã tích tụ được 180,78ha, Cty VinEco đã chuyển trả tiền thuê đất 20 năm nhưng vẫn còn 7 hộ chưa nhận dù không gây cản trở gì. Khu Nhân Khang của huyện Lý Nhân đã tích tụ được 23,26ha, đã ký hợp đồng cho Cty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam thuê 21,59ha, còn 1,86ha do xã quản lý. Trong khu vực quy hoạch vẫn còn 11 hộ chưa nhận tiền nhưng không tỏ ra chống đối.

Khu nhà lưới khổng lồ trồng dưa Nhật

Chính quyền rất băn khoăn

Ông Nguyễn Thành Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân nhận định hiệu quả của sản xuất lúa đang thấp nên huyện đang có khoảng 60ha bị bỏ hoang. Trong bối cảnh đó, tập trung, tích tụ đất đai là một hướng đi rất đúng. Phương án ban đầu là để doanh nghiệp hoặc HTX đứng ra ký hợp đồng thuê đất nhưng dân lại sợ bị lừa. Bởi vậy huyện là đơn vị ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, xã là đơn vị giao đất nông nghiệp cho dân phải đứng ra ký hợp đồng thuê đất để cho dân tin. “Huyện cũng băn khoăn về tính pháp lý của việc là cơ quan quản lý nhà nước mà lại đi thuê đất của dân nhưng không mạnh dạn thực hiện thì thiệt cho dân nên có sai cũng phải chấp nhận”, ông Nguyễn Thành Thăng nói.

Thời gian trả tiền cũng có nhiều phương án như 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm nhưng dân đều chọn 20 năm cả. Còn tại sao ngoài bãi giá cho thuê quy ra ngô 150 kg/sào/năm mà trong đồng cũng quy ra ngô 150 kg/sào/năm là bởi ngô chỉ có 1 giá còn lúa có nhiều loại, nhiều giá nên quy luôn ra ngô cho tiện”.

Cũng theo ông Thăng, mô hình doanh nghiệp công nghệ cao sẽ là hạt nhân để cuốn hút phong trào sản xuất phát triển. Thứ nhất là nâng cao nhận thức của dân về sản xuất tập trung, ứng dụng KHKT. Thứ hai là giúp người dân có những định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thứ ba là thu hút được những lao động “cận đát” của công nghiệp, tức những người trong độ tuổi 35 - 60.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lua-da-tat-nhung-tan-tro-con-nong-post227777.html