Lựa chọn xây dựng đô thị thông minh theo hướng nào cho phù hợp?

Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có nhiều tỉnh, thành phố triển khai hoặc khởi động các đề án về ĐTTM và bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng ĐTTM ở nước ta đang gặp không ít thách thức, đòi hỏi cần phải có kế hoạch, lộ trình và giải pháp phù hợp; cùng với đó là sự 'chung tay' của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

 Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh. (Trong ảnh: Không gian đô thị hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh. (Trong ảnh: Không gian đô thị hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Thành phố thông minh trên nhiều lĩnh vực

ĐTTM có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế số, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh cùng nhiều yếu tố thông minh khác. Ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông: Wifi, 4G, 5G, điện thoại thông minh, big data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý, phát triển thành phố hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ở cấp độ địa phương, hiện cả nước đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với đối tác là các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn trong và ngoài nước xúc tiến các hoạt động xây dựng ĐTTM. Mỗi địa phương theo đuổi mô hình ĐTTM riêng, song, về cơ bản, các lĩnh vực được quan tâm nhất trong phát triển ĐTTM bao gồm: Giáo dục, y tế, giao thông, dịch vụ công, hành chính công và chính quyền điện tử. Lào Cai là một trong những địa phương đang tích cực triển khai xây dựng ĐTTM. Tỉnh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Du lịch, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, cảnh báo thiên tai và chính quyền điện tử. Hiện Lào Cai đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong nhiều lĩnh vực để đẩy nhanh xây dựng ĐTTM.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc triển khai xây dựng ĐTTM. Hà Nội đang thực hiện 17 chương trình ứng dụng công nghệ ở hầu hết các lĩnh vực lớn. Trong đó, thành phố tập trung xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan, ban, ngành, ứng dụng số hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân, doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người và ở bất kỳ đâu. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách, như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử...

Nhiều thách thức trong xây dựng đô thị thông minh

Việc xây dựng ĐTTM ở một số địa phương tại Việt Nam bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp phải không ít thách thức, như: Tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp với tốc độ đô thị hóa, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống; các tồn tại về quy hoạch; tình trạng ùn tắc giao thông; những bất cập về các vấn đề, như: An ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường… Do đó, xây dựng ĐTTM bảo đảm các yếu tố bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Lào Cai đang đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực để đẩy nhanh xây dựng đô thị thông minh. Trong ảnh: Hệ thống camera giám sát an ninh và giao thông do Viettel cung cấp tại huyện Bảo Thắng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chúng ta đang triển khai xây dựng ĐTTM ở giai đoạn đầu nên bộc lộ không ít hạn chế, đó là hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị phân tán ở nhiều ngành, thiếu tính nhất quán dẫn đến việc dự báo, định hướng và điều hành gặp khó khăn; chưa hình thành hệ thống cơ sở pháp lý, quy phạm pháp luật và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, trong khi phát triển ĐTTM có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, phát triển ĐTTM yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, năng lực của bộ máy nhà nước hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản trị của đất nước trong thời đại công nghệ số.

Cần sự kết hợp chặt chẽ của các nguồn lực

TS Tạ Đức Tùng (Đại học Tokyo, Nhật Bản) cho biết, Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng ĐTTM từ năm 2010. Họ lựa chọn xây dựng nhiều thành phố thông minh trên cơ sở từ thành phố cũ. Việt Nam nên học tập mô hình này của Nhật Bản vì sẽ tận dụng được hạ tầng sẵn có từ thành phố cũ, giảm bớt chi phí. Những vấn đề chúng ta cần quan tâm là về chính sách, việc quy hoạch giao thông trong thành phố, việc quản lý các nguồn tài nguyên nước, đất, không khí, rác thải. “Để xây dựng ĐTTM, Việt Nam cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững sao cho tổng hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường trong sạch”, TS Tạ Đức Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Thái, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, việc phát triển ĐTTM ở Việt Nam cần xác định rõ tầm nhìn và các mục tiêu cơ bản, như: Cải thiện hệ thống hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành của đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, cung cấp các tiện ích nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân đi kèm với các mục tiêu phát triển bền vững và đô thị xanh… Trên bình diện quốc gia, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, khuyến khích phát triển ĐTTM; xây dựng các tiêu chí đánh giá ĐTTM trên các tiêu chuẩn quốc tế liên quan để theo dõi, giám sát việc phát triển ĐTTM...

Cũng theo các chuyên gia, để phát triển thành công các mô hình ĐTTM tại Việt Nam cần có sự đồng thuận của 3 nhân tố: Nhà nước-thị trường-xã hội. Trong đó, Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái; thị trường là động lực vận hành; xã hội là những người giám sát thực hiện. Nói cách khác, phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh đồng thuận. Ngoài ra, còn cần có công nghệ và nguồn vốn. Nhà nước phải có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực tri thức, vốn, năng lực của khu vực tư nhân tham gia tích cực vào quá trình hình thành ĐTTM.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lua-chon-xay-dung-do-thi-thong-minh-theo-huong-nao-cho-phu-hop-576243