Lựa chọn tổ chức đấu giá nào để không gây thất thoát ngân sách?

Bộ Tư pháp đã ban hành công văn hướng dẫn rõ ràng hơn về các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá theo Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản năm 2017.

Thực hiện quy định tại Điều 56 Luật đấu giá tài sản, trong thời gian qua, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành ở địa phương trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo các tiêu chí cụ thể để thực hiện việc đấu giá tài sản.

Các tổ chức đấu giá được lựa chọn hầu hết là những tổ chức có năng lực, uy tín, kinh nghiệm, qua đó đã tổ chức đấu giá thành công nhiều loại tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp người có tài sản đưa ra tiêu chí lựa chọn chung chung, không phân loại, lựa chọn được tổ chức đấu giá tài thực sự có năng lực, nhiều tiêu chí thiếu tính khả thi, không bám sát tính chất, đặc thù của tài sản... không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng của việc đấu giá tài sản mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Quang cảnh một phiên đấu giá tài sản

Quang cảnh một phiên đấu giá tài sản

Vì vậy, để tiếp tục triển khai các quy định của Luật đấu giá tài sản, bảo đảm việc lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có năng lực, uy tín, Bộ Tư pháp vừa có Công văn số 534/BTP-BTTP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số công việc.

Cụ thể là quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành ở địa phương khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá cần đưa ra các tiêu chí khả thi, rõ ràng, minh bạch.

Trong đó, cần lưu ý một số tiêu chí cụ thể như giá trị chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu giá thành của các cuộc đấu giá; năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá, đấu giá viên; cơ sở vật chất của tổ chức đấu giá tài sản (trụ sở đăng ký cụ thể, rõ ràng, ổn định đảm bảo an toàn cho cuộc đấu giá); phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, trong đó có việc thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, chỉ lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện xong việc chuyển đổi đăng ký hoạt động theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản và có tên trong danh sách tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo các tổ chức bán đấu giá tải sản tại địa phương thực hiện ban hành, công bố công khai Quy chế đấu giá tài sản bảo đảm theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các điều kiện tham gia đấu giá ngoài các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho việc đăng ký tham gia đấu giá.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát việc thực hiện chuyển đổi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày 01/7/2017 theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành ở địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của người có tài sản đấu giá tại địa phương; tình hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn.

Trong đó, lưu ý các vấn đề về đăng ký hoạt động, việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trụ sở làm việc, tuân thủ chế độ báo cáo và các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật có liên quan, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; báo cáo, tham mưu cho UBND cấp tỉnh có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động đấu giá tài sản, nhất là các cuộc đấu giá tài sản công, có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá.

Song Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-van-365/lua-chon-to-chuc-dau-gia-nao-de-khong-gay-that-thoat-ngan-sach-496345.html