Lựa chọn SGK: Có hiện tượng chạy chọt cửa sau

Theo đại biểu Quốc hội, ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Không cần thiết biên soạn thêm 1 bộ SGK bằng ngân sách

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tập trung vào đánh giá Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2018 về đổi mới chương trình phổ thông và sách giáo khoa phổ thông.

Về hạn chế, bà Thúy cho biết để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

“Việc biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách Nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”, bà nói.

Hai là, Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, nhưng theo phản ánh, trên thực chất ở nhiều địa phương, quyền này không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau.

Đại biểu Đà Nẵng đề nghị cần triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác; xem xét việc kê giá sách giáo khoa hàng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý; bảo đảm về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, đồng ý với việc chấp thuận không tổ chức biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa mới bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên (Vĩnh Long) cũng đồng tình ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng ngân sách Nhà nước để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Thay vào đó, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện để góp phần hạn chế độc quyền, tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong việc biên soạn sách giáo khoa.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian tới tăng cường biện pháp đảm bảo chất lượng của sách giáo khoa một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, xây dựng, tính đến cơ chế về giá.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về giá thịt lợn cao, lúng túng trong xuất khẩu gạo

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhắc đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn 1 năm qua; hay sự lúng túng, thiếu nhất quan trong việc dừng hay cho xuất khẩu gạo. Bà cho rằng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trong việc này.

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, song theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ và phần đông cán bộ không yên tâm.

Đại biểu nhấn mạnh giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước.

Liên quan đến giá thịt lợn, đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết giá lợn hơi hiện neo ở mức cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg. Bà cho rằng cần có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi và giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân tái đàn lợn. Bên cạnh đó, cần kích cung trong nước để đảm bảo nguồn cung, không cần nhập của các nước để tự chủ được nền kinh tế.

Doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bắt nạt sau dịch

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu rõ, trong tình trạng dịch Covid, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc, thất nghiệp; nguồn thu quốc gia giảm nghiêm trọng; tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Dù Đảng đã có nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Thủ tướng gặp mặt, đối thoại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt, nhưng vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng trong thực hiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Trong đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đầu tư công nghệ phục vụ cho sản xuất, nhưng hàng hóa xuất khẩu không được xuất khẩu, tồn đọng trong kho quá lớn. Vốn liếng doanh tồn đọng, nguy cơ phá sản, Nhà nước không có cơ hội thu ngân sách.

Không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời và một số dự án khác vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp đã hoàn thành từ năm 2019, nhưng do vướng mắc của Luật Quy hoạch, dù đã có Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thực hiện luật thì vẫn bị chậm, ngừng thực hiện.

Trong khi đó, nguồn điện quốc gia thiếu, các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, các địa phương không hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách của quốc gia, địa phương hụt thu.

Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia và tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành không chỉ đồng hành thực hiện mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” mà còn thực hiện mục tiêu “không để tỉnh nào ở lại phía sau”.

Các thành phố có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn đầu tư. Song, tỉnh nào đã khó khăn lại càng khó khăn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI.

Khó khăn hơn cả là nhiều tỉnh xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu đồng bộ, vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thậm chí có nguy cơ rủi ro không có khả năng cạnh tranh, nguồn nhân lực có tay nghề hạn chế.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội; tao cơ hội quảng bá hình ảnh thu hút đầu tư.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng thời kỳ hậu Covid-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động. Ông cho rằng dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Ông đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần các có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả…

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lua-chon-sgk-co-hien-tuong-chay-chot-cua-sau-3405729/