Lựa chọn nhà thiết kế dự án, doanh nghiệp địa ốc sính ngoại

Đối tác, kiến trúc sư, nhà tư vấn ngoại có thực chất nâng tầm dự án hay chỉ là những cái tên dễ bán hàng là câu chuyện được bàn cãi lâu nay.

Tính khoa học, ý tưởng thiết kế sáng tạo của các đối tác ngoại được nhiều chủ đầu tư nội địa thừa nhận. Ảnh: shutterstock

Thừa nhận sự vượt trội

Khắp trong Nam ngoài Bắc bây giờ có lẽ khó tìm được một dự án bất động sản cỡ vừa trở lên không có cái tên nước ngoài nào trong thành phần phát triển. Ở chiều ngược lại, một kiến trúc sư trong nước khi trà dư tửu hậu nhận xét rằng, rất nhiều cái tên ngoại, nhất là trong hạng mục kiến trúc, chỉ điền vào cho có, còn lại việc chính vẫn là các kiến trúc sư nội địa trực tiếp nhúng tay.

Thậm chí, anh còn kể câu chuyện, có một nhà phát triển bất động sản lâu nay nổi tiếng với các dự án được quảng cáo siêu sang và bản trích ngang “lý lịch” dự án luôn la liệt những cái tên nước ngoài. “Có dự án được bác ấy quảng cáo kiến trúc nội thất theo phong cách Gothique nhưng lại bán nhà xây thô”, vị kiến trúc sư nửa đùa nửa thật.

Tuy nhiên, câu chuyện về những “cái được” của đối tác ngoại được nhiều người nhắc đến hơn, tất nhiên bao giờ cũng kèm theo câu, cần “chọn bạn mà chơi”.

Bắt đầu câu chuyện cùng ông Nguyễn Việt Thung, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TMS Group về việc lựa chọn đối tác ngoại khi lên ý tưởng thiết kế, concept cho dự án. Ông nói, ngày nay, xu thế chọn nhà của người dân đã thay đổi, khách hàng mua bất động sản không đơn thuần mua chỗ ở mà là mua không gian sống.

Để làm được điều này, đòi hỏi đơn vị thiết kế phải có ngôn ngữ thiết kế đa dạng, hiện đại, có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án và thường các đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế sẽ đáp ứng được điều này.

Theo phân tích của ông Thung, với kinh nghiệm quốc tế rộng khắp, đơn vị tư vấn ngoại sẽ mang đến cho dự án nhiều cái được, không chỉ đơn giản là concept dự án, mà cả yếu tố tầm nhìn trong quy hoạch, cung cấp tiện ích. Điều này càng thể hiện rõ khi dự án đi vào vận hành, qua đánh giá của người thụ hưởng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest cho biết, lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế quốc tế là ưu tiên số 1 của nhà đầu tư này khi phát triển dự án. Tất nhiên, ở đâu cũng có người này người kia, nhưng các chủ đầu tư Việt Nam thường lựa chọn những đối tác quốc tế trên cơ sở thẩm tra trực tiếp các dự án mà đối tác này triển khai nên ít khi nhầm.

“Nhiều dự án của chúng tôi mời đối tác quốc tế tham gia và nhìn vào thấy có sự khác biệt rõ ràng, khi tham khảo ý kiến từ các kiến trúc sư trong nước, họ đều thừa nhận sự vượt trội này”, ông Hiệp nói.

Với TMS Group, hiện tại Công ty đang triển khai TMS Homes Wonder World (Vĩnh Phúc) - dự án khu đô thị quy mô 154 ha, được thiết kế quy hoạch bởi Aedas (top 15 thế giới), thiết kế cảnh quan bởi Callison RTKL.

Còn GP Invest đang triển khai The Nine, một dự án tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư cao cấp tại số 9 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội. Với The Nine, ý tưởng kiến trúc được đề xuất bởi Morrison Architects (Mỹ), một đơn vị từng khá thành công khi tạo nên một Tràng An Complex với không gian sống tốt.

Nội - ngoại kết hợp

Chia sẻ góc nhìn kỹ thuật hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, với quy hoạch 1/2.000 của dự án, doanh nghiệp bà sẽ ưu tiên chọn đơn vị tư vấn Mỹ, Nhật do các đối tác này thường có cái nhìn toàn diện, khoa học, tính toán hài hòa chuẩn mực quốc tế với đặc thù địa phương của dự án.

Nhiều dự án của chúng tôi mời đối tác quốc tế tham gia và nhìn vào thấy có sự khác biệt rõ ràng, khi tham khảo ý kiến từ các kiến trúc sư trong nước, họ đều thừa nhận sự vượt trội này.

“Các đối tác quốc tế giàu kinh nghiệm thường có lợi thế về tầm nhìn trong việc quy hoạch các dự án, nhất là các dự án quy mô lớn chia thành nhiều phân kỳ đầu tư và đó chính là lý do khiến chủ đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền để có được những quy hoạch tốt”, bà Hương phân tích.

Thực tế, vài năm gần đây, Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ để các công ty tư vấn thiết kế, quy hoạch, nội thất nước ngoài thi thố. Thông thường, các đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế sẽ có bộ phận nghiên cứu thị trường độc lập, nắm bắt đặc thù văn hóa, phong tục từng vùng miền, mỗi quốc gia để hiểu khách hàng cần không gian sống, môi trường, tiêu chuẩn ra sao, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu với kinh nghiệm quy hoạch đã có.

Các đối tác quốc tế này đặc biệt có lợi thế trong việc tổ chức hạ tầng, sắp xếp các hạng mục khu dân cư, thương mại, tiện ích, tỷ lệ phát triển một phân khu cho đến toàn dự án. Đặc biệt, tầm nhìn khoa học về việc chia phân kỳ dự án, trình tự thực hiện các hạng mục là một lợi thế lớn của các đối tác ngoại.

Hiện nay, còn một hướng phát triển dự án khác được nhiều chủ đầu tư lựa chọn, đó là kết hợp giữa đơn vị tư vấn thiết kế, quy hoạch quốc tế với một công ty trong nước để thực hiện các hạng mục công việc cụ thể. Với sự hợp tác này, đối tác ngoại sẽ phụ trách phần ý tưởng, concept thiết kế tổng quan, quy hoạch phân khu 1/2.000 hay 1/500, còn đối tác nội sẽ được “cầm tay chỉ việc”, thực hiện các hạng mục chi tiết.

Theo đánh giá của bà Hương, cách làm này đang được ưa chuộng vì đảm bảo dự án vừa tiếp cận được chuẩn quốc tế, lại đáp ứng được tính địa phương. Tuy nhiên, dù có hợp tác với đối tác nội, các đơn vị tư vấn nước ngoài vẫn dành vài ba tháng để nghiên cứu văn hóa, thói quen, mong muốn của người dân, thị hiếu, rồi tinh hoa vật chất và tinh thần của địa phương để tạo ra sản phẩm vừa đảm bảo chuẩn quốc tế, nhưng lại có sự thân quen, không xa vời, lạ lẫm với người bản địa.

Tính khoa học, chỉn chu cũng là điều ông Nguyễn Quốc Hiệp tâm đắc khi chọn đối tác ngoại. Ông cho rằng, do quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm, nên khi có được dự án, chủ đầu tư phải thực sự chăm chút và tìm cách để khai thác tốt nhất các điểm cộng mà khu đất có được, bắt đầu từ ý tưởng thiết kế.

Với dự án The Nine mà GP Invest đang triển khai, đối tác Morrison Architects đã đưa ra những ý tưởng táo bạo, đảm bảo 100% căn hộ tại The Nine đều sở hữu tầm nhìn Panorama khi toàn bộ bề mặt ngoài dự án được phủ kính 2 lớp, tấm lớn. Đây là ý tưởng tạo nên sự khác biệt với các dự án nhà ở tại Hà Nội từ trước đến nay. Tại dự án này, sự kết hợp nội - ngoại cũng là hướng đi của GP Invest khi ý tưởng thiết kế do đối tác Morrison Architects phụ trách, còn TT-Associates (doanh nghiệp trong nước) đảm trách thiết kế mặt bằng và kỹ thuật công trình.

Vừa mang lại kết quả tối ưu, vừa tiết giảm chi phí là điều được ông Nguyễn Việt Thung thừa nhận khi TMS Group đi theo hướng kết hợp nội - ngoại bắt đầu từ khi lên ý tưởng dự án. Khi đó, đối tác quốc tế sẽ tập trung vào concept sản phẩm, còn đơn vị tư vấn thiết kế trong nước sẽ phụ trách tư vấn kỹ thuật, mật độ, tỷ lệ sử dụng đất…

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) cho rằng, do Việt Nam là nước phát triển đô thị sau, kinh nghiệm lĩnh vực này còn ít nên việc thuê các nhà thầu nước ngoài có kinh nghiệm là cần thiết.

“Dù có đối tác ngoại, nhưng hình bóng của doanh nghiệp trong nước cũng được thể hiện khá rõ trong đa số các dự án. Tư vấn nước ngoài có lợi thế về sự sáng tạo, tư duy khoa học, còn đơn vị trong nước am hiểu thông lệ, định mức tại Việt Nam và đặc biệt, chi phí nhân công nội địa cũng thấp hơn nhiều”, ông Duy đánh giá.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/kien-truc/lua-chon-nha-thiet-ke-du-an-doanh-nghiep-dia-oc-sinh-ngoai-251181.html