Lựa chọn ngành học quan trọng nhất vẫn là đam mê

Thời điểm này, nhiều sĩ tử đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời chuẩn bị đưa ra lựa chọn đăng ký nguyện vọng. Vậy nên lựa chọn ngành học sĩ tử nên căn cứ vào những yếu tố nào?

Theo như PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những lưu ý cho thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH 2020” do báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ, việc lựa chọn ngành học căn cứ vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là đam mê, ước vọng và năng lực cá nhân; tiếp theo cần xem xét các yếu tố như điều kiện hoàn cảnh cụ thể của gia đình, nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và tương lai…

PGS Thủy cũng nói thêm, theo quy định, sau khi các trường đã công bố đề án tuyển sinh, thí sinh có ít nhất 30 ngày để lựa chọn đăng ký xét tuyển (cùng thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT) vào các ngành nghề đào tạo mà các trường đại học, cao đẳng đã công bố.

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT). Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT). Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại.

“Tuy vậy, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến vào khoảng 28/8), thí sinh vẫn có quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng (qua hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu tại điểm tiếp nhận). Như vậy, thí sinh có nhiều thời gian để ra quyết định cuối cùng về ngành nghề mà mình muốn theo học, căn cứ vào năng lực, sở trường của thí sinh”, PGS Thủy nhấn mạnh.

Cũng thông tin thêm tại buổi giao lưu, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay Bộ vẫn tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1 năm 2020 như năm 2019. Do đó, nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng kí xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng kí dự thi THPT. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường; tuy nhiên, các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên (khâu này không có thay đổi so với 2019).

Đối với, các thí sinh đăng ký vào trường có sơ tuyển (các trường Công an, Quân đội) hoặc xét tuyển vào các ngành có tổ hợp môn năng khiếu, thì cần phải thực hiện theo các quy định của trường (tham dự sơ tuyển, tham dự các kỳ thi do năng khiếu do trường tổ chức).

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến vào khoảng 28/8), thí sinh vẫn có quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hải Nam.

Đối với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường: có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến, nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện hoặc nộp tại trường đại học. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và quy trình xét lọc ảo, điều này giúp thí sinh và nhà trường giảm chi phí, thời gian, công sức, đi lại đăng ký, tiếp nhận các hồ sơ nguyện vọng… Một thí sinh có nguyện vọng chỉ cần làm 01 bộ hồ sơ nộp đăng kí 01 nơi, thống nhất một kiểu mẫu hồ sơ đăng ký xét tuyển, kinh phí, điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển.

Do vậy, công tác xét tuyển nguyện vọng và lọc ảo cơ bản ổn định như các năm trước. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng…

Đức Duy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/lua-chon-nganh-hoc-quan-trong-nhat-van-la-dam-me-345040.html