Lựa chọn nào cho ngành hàng không thế giới? (Phần 1)

Nếu xét về thiệt hại tổng thể, vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 vẫn chưa thể so sánh với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành hàng không thế giới hiện nay.

Cảnh vắng vẻ tại sân bay quốc tế Changi, Singapore do dịch COVID-19 ngày 19/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh vắng vẻ tại sân bay quốc tế Changi, Singapore do dịch COVID-19 ngày 19/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Năm 2001, khi các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9 đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ngành hàng không thế giới đã gánh chịu một đòn giáng khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu xét về thiệt hại tổng thể, sự kiện này vẫn chưa thể so sánh với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành hàng không.
Việc nhu cầu đi lại sụt giảm không phải là điều gì mới. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, hành khách không còn hào hứng đi máy bay nữa do lo ngại về an ninh. Điều này buộc các hãng hàng không phải hủy nhiều chuyến bay và đem máy bay "cất vào kho".
Ngành công nghiệp hàng không sau đó đã phục hồi. Số lượt hành khách đi lại hồi năm 2002 là 1,63 tỷ lượt người, chỉ thấp hơn một chút so với mức 1,66 tỷ lượt người vào năm 2001. Tuy nhiên, số lượng hành khách không phản ánh đầy đủ câu chuyện.
Vụ tấn công ngày 11/9 cũng buộc các hãng hàng không phải cắt giảm chi phí bằng cách cho nghỉ không lương, sa thải nhân viên, và đáng chú ý nhất là hợp nhất với nhau. Trước các vụ tấn công 11/9, thị trường hàng không Mỹ - nơi sinh lợi nhất thế giới - chủ yếu do 8 hãng hàng không kiểm soát.
Bây giờ con số này chỉ còn bốn hãng. Ngoài ra, các hãng cũng trở nên thận trọng hơn và gác lại các kế hoạch mở rộng quyết liệt. Điều này dẫn đến việc nhìn chung hành khách có ít chuyến bay hơn để lựa chọn, và trên các phi cơ có ít chỗ trống hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra trong đại dịch COVID-19. Trong đó, sự sụp đổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không chủ yếu là do chính sách công gây ra. Khi dịch COVID-19 lan rộng, chính phủ các nước trên thế giới đã quyết định cấm những người không phải là thường trú nhân nhập cảnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một số quốc gia như Ấn Độ, Malaysia và Nam Phi đã ngừng cấp thị thực cho du khách.
Những nước khác như Australia, New Zealand và Mỹ thì tạm ngưng chính sách miễn thị thực có qua có lại. Động thái này không chỉ làm hỏng kế hoạch đi lại của hàng triệu người mà còn buộc các hãng hàng không phải ngừng phục vụ tại các thị trường béo bở một thời.
Trong bối cảnh máy bay không thể chở khách, việc bay máy bay không có hành khách sẽ là việc làm không hợp lý về mặt tài chính. Do đó, việc đưa máy bay trở lại bầu trời phụ thuộc vào việc chính phủ các nước nới lỏng hạn chế đi lại.
Có một số dấu hiệu cho thấy điều này đang xảy ra. Chính phủ Nam Phi gần đây công bố các nỗ lực mở lại ngành du lịch. Tuy nhiên, với một ngoại lệ đó là chỉ áp dụng cho khách nội địa, còn du khách quốc tế sẽ phải đợi lâu hơn một chút.
Bộ trưởng Du lịch Nam Phi Mmamoloko Kubayi-Ngubane nói: “Quyết định mở cửa biên giới với bên ngoài sẽ dựa trên việc đánh giá bằng chứng khoa học... tuân thủ trách nhiệm của chính phủ trong việc bảo vệ sinh mạng người dân Nam Phi”.
Lời nói của ông Kubayi-Ngubane cho thấy sự cân bằng khó khăn mà các chính phủ phải thực hiện giữa việc đem đến cho người dân những lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch trong khi phải bảo vệ họ trước những rủi ro sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra.
“Vùng đi lại nội bộ”
Có một cách để lách những hạn chế đi lại này, đó là tạo ra “vùng đi lại nội bộ”. Thường được biết đến với thuật ngữ “hành lang COVID-19” hay “cầu không khí”, ý tưởng này rất đơn giản.
Thay vì cấm luôn du khách (hoặc đưa họ vào diện cách ly), một số quốc gia đồng ý mở cửa biên giới với nhau, mặc dù trên nguyên tắc vẫn đóng biên giới của họ với tất cả các nước khác.
Các quốc gia tham gia thường là những nước mà mối đe dọa COVID-19 đã được kiểm soát. Điều này làm giảm thiểu rủi ro lây lan cho du khách trong phạm vi giữa những nước này với nhau, đồng thời ngăn chặn các ca bệnh mới du nhập từ bên ngoài.
Chính phủ Anh mới đây đã thực hiện điều này. Kể từ ngày 10/7, hành khách từ hơn 50 quốc gia sẽ được phép nhập cảnh vào Anh mà không bị cách ly.
Khi thông báo về quyết định này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay: “Thay vì cách ly những người đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi sẽ chỉ cách ly những người đến từ những nước mà dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát”.
Dù vậy, tính hiệu quả của việc thiết lập vùng đi lại nội bộ phụ thuộc một phần vào thiện chí của người dân. Chẳng hạn như thành công của vùng đi lại nội bộ giữa Anh và Pháp (tuy vùng nội bộ này đã bị Anh hủy bỏ sau đó vài tuần) đòi hỏi khách đến Anh không đến một quốc gia có rủi ro cao (như Mỹ chẳng hạn) và rồi gần như ngay sau đó lại bay đến Anh qua đường Pháp.
Việc giới chức trách làm thế nào để ngăn chặn được điều này - đó là chuyện vẫn chưa rõ và tình hình sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu không có các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước bên trong vùng đi lại nội bộ, như trường hợp của các nước thành viên EU.
Xét nghiệm nhanh
Một giải pháp khác là chuẩn bị sẵn phương tiện xét nghiệm nhanh. Động thái này sẽ cho phép giới chức sàng lọc những du khách nhiễm bệnh và nếu cần, cách ly họ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford gần đây đã khởi động một nghiên cứu để tìm hiểu tính khả thi của ý tưởng này và kỳ vọng sẽ có thể xét nghiệm để tìm dấu hiệu của virus trên các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương.
Theo các tác giả của nghiên cứu, “mục tiêu của cuộc thử nghiệm là tìm ra khoảng thời gian sớm nhất mà chúng ta có thể cho người ta đi nếu họ được xét nghiệm”. Điều này quan trọng đối với các nước xem đi lại bằng đường hàng không là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế.
Hãy tưởng tượng tới khả năng là bạn ngồi gần một người được xét nghiệm âm tính nhưng thực sự đã bị nhiễm (và có khả năng lây) trong suốt chuyến bay. Ý tưởng này không phải là chuyện hoàn toàn xa vời. Các nghiên cứu cho thấy cứ ba người bị nhiễm thì có một người có thể có kết quả “âm tính giả”.
Theo Maureen Ferran, Giáo sư sinh học tại Viện Công nghệ Rochester ở New York, trường hợp âm tính giả có thể xảy ra khi que gạc - được dùng để lấy mẫu virus - không được đưa vào đủ sâu trong mũi hoặc không lấy đủ mẫu virus. Bà nói rằng âm tính giả cũng có thể xảy ra “nếu một người được xét nghiệm quá sớm hoặc quá muộn trong thời gian nhiễm bệnh và do đó không có nhiều virus trong tế bào của họ”.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lua-chon-nao-cho-nganh-hang-khong-the-gioi-phan-1/168368.html