Lựa chọn mới cho cuộc sống của người già khi về hưu ở Trung Quốc: Đi từ nghi ngờ tới nhận được sự ủng hộ của cả cha mẹ lẫn con cái

Vợ chồng ông bà Tong Huiyan đang tận hưởng cuộc sống sau khi về hưu trong một cộng đồng chung cư cao cấp ở Hàng Châu, Chiết Giang phía đông Trung Quốc. Đừng nhầm lẫn đây là một viện dưỡng lão nào đó, nó là một khu chung cư đặc biệt hướng tới người cao tuổi và phục vụ các nhu cầu giải trí, sinh hoạt … của họ.

Khu phức hợp này có hơn 1.200 người về hưu, cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhưng không bắt buộc như thực phẩm và chăm sóc y tế, cũng như tất cả các dịch vụ giải trí, sinh hoạt của cuộc sống hiện đại, từ phòng tập thể dục đến rạp chiếu phim và thư viện.

Ở đây, cư dân trong độ tuổi từ 56 đến... 102, từ các vùng khác nhau của Trung Quốc, đã có một cuộc sống thực sự tận hưởng sau khi nghỉ hưu.

Lối sống hiện đại của họ thách thức quan điểm truyền thống ở Trung Quốc rằng người già phải ở gần con cái để được chăm sóc.

Hai vợ chồng Tong Huiyan đã sống ở Thượng Hải trước khi nghỉ hưu và quyết định chuyển đến Hàng Châu của họ đã vấp phải những sự nghi ngờ và phản đối. Ông Tong nói: "Khi chúng tôi thông báo với các bạn bè ở Thượng Hải về việc chuyển chỗ ở, họ không hiểu lắm. Họ hỏi tại sao chúng tôi lại vào sống trong viện dưỡng lão khi bản thân còn khỏe mạnh và có khả năng tự chăm sóc bản thân".

Quan điểm truyền thống cho rằng, những người cao tuổi nên sống cùng với con cháu để được chăm sóc, và giúp đỡ chăm sóc các cháu nhỏ trong khi con cái bận rộn với công việc kiếm tiền để nuôi cả gia đình. Việc các cụ chuyển ra ngoài sống riêng thường khiến người ta liên tưởng đến cuộc sống trong viện dưỡng lão và thường liên quan đến tình trạng sức khỏe kém và không có khả năng tự chăm sóc.

Nhưng ông bà Tong và những người ở nơi này đang chứng minh những người hoài nghi, những quan điểm truyền thống đó đã sai. Tuổi tác chỉ là một con số và cuộc sống sau khi nghỉ hưu hoàn toàn là khoảng thời gian tuyệt vời để tận hưởng màu sắc và hương vị cuộc sống.

Vợ chồng ông bà Tong cho biết: "Con gái và con rể của tôi ủng hộ chúng tôi. Chúng nó cũng mong muốn cha mẹ có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và thoải mái nhất. Và chúng tôi thực sự hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại".

Đối với cuộc sống của con cái, ông Tổng cho rằng: "Nếu chúng nó gặp khó khăn, chúng tôi nhất định sẽ giúp đỡ. Nhưng suy cho cùng, cha mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm sóc và giáo dục các con, đã đến lúc chúng cũng cần phải tự chủ cuộc sống của mình, bao gồm cả việc giáo dục con cái như chúng tôi đã làm trước đây vậy".

Khi được hỏi về việc khoảng cách có làm tình cảm gia đình bị ảnh hưởng không, hai ông bà đều rất vui vẻ trả lời: "Gia đình chúng tôi dù xa mặt nhưng không cách lòng, dù có khoảng cách nhưng giữa các thành viên trong gia đình vẫn luôn gần gũi và thân thiết. Con gái thường đến thăm chúng tôi vào cuối tuần, và thi thoảng trong kỳ nghỉ, nó còn ở lại nhiều ngày.

Thuận tiện và an toàn

Vợ chồng Cheng Lili sống đối diện với gia đình ông bà Tong Huiyan. Hai ông bà Cheng Lili đã bán căn nhà ở quê nhà Thiệu Hưng, cũng ở Chiết Giang, và thuê căn hộ hiện tại vào năm 2015. Họ có một cậu con trai duy nhất đang sống ở nước ngoài. Ông Cheng nói: “Hai vợ chồng tôi đang ở độ tuổi 70 rồi và con trai lo lắng cho chúng tôi rất nhiều. Nhưng vợ chồng tôi không muốn làm phiền nó, con trai đã có gia đình riêng và có một công việc ổn định như hiện tại không hề dễ dàng. Chúng tôi không muốn vì chăm sóc mình mà con trai phải từ bỏ những cơ hội tốt và hoàn cảnh tốt nhất để chăm sóc con cái của nó".

"Cuộc sống ở đây rất tuyệt, từ những vấn đề về sức khỏe, đến các vấn đề như hỏng hóc thiết bị luôn có người sẵn sàng đến ngay. Nếu không muốn nấu ăn, nhà ăn ở ngay tầng dưới rồi", cô nói. Đó là một cuộc sống dễ dàng hơn so với ở Thiệu Hưng, nơi mà những công việc không tên không ngừng réo gọi tôi.

Bên cạnh sự tiện lợi, an ninh an toàn cũng là một điều tuyệt vời khiến bà thích nơi này: "Chồng tôi là một người rất thích khiêu vũ, nhưng ở Thiệu Hưng, ông ấy phải đi xe tay ga đến công viên để biểu diễn khiêu vũ, mỗi lần như vậy tôi thật sự rất lo lắng, dẫu sao cũng già rồi. Giờ đây thì tôi an tâm rồi, ông ấy có thể tham gia các lớp học ngay trong khu nhà mà không phải đi xa".

Ông Wang Dezhong và những người bạn trong ban nhạc Old Boys biểu diễn trên một show TV

Ông Wang Dezhong và những người bạn trong ban nhạc Old Boys biểu diễn trên một show TV

Trung Quốc rơi vào tình trạng già hóa vào năm 2000 khi số người trên 65 tuổi vượt quá 88 triệu người, chiếm 7% tổng dân số. Vào cuối năm 2019, con số đó đã tăng gấp đôi lên 176 triệu hay 12,6% dân số, theo Cục Thống kê Quốc gia. Và xu hướng già hóa dự kiến sẽ tăng nhanh trong những thập kỷ tiếp theo.

Làm thế nào để giúp người cao niên có một cuộc sống hạnh phúc và chất lượng là một vấn đề mà toàn xã hội phải giải quyết.

Người già ở Trung Quốc hiện có ba lựa chọn về chỗ ở: ở nhà, chuyển đến các cơ sở dưỡng lão và được hỗ trợ sống trong cộng đồng.

"Theo khảo sát của chúng tôi, hơn 90% người cao niên khỏe mạnh muốn sống ở nhà", Yuan Xin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Lão hóa tại Đại học Nankai, cho biết. Ông nói: Trong số các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, sống tại nhà phương thức mang lại ít chi phí kinh tế và tâm lý nhất. Nhà là nơi những ký ức của cuộc đời tồn tại. Điều này rất tốt choc sức khỏe và tinh thần của người già.

Chăm sóc người già tại nhà là một đức tính tốt trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, vốn coi trọng đạo hiếu. Nhưng với sự gia tăng đô thị hóa và tính di động, việc yêu cầu con cái ở bên cạnh mình chăm sóc ngày càng trở nên khó khăn. Đồng thời, thế hệ người cao tuổi mới đang trở nên cởi mở hơn thế hệ trước.

"Hiểu biết của họ về sự phát triển xã hội và nghề nghiệp của con trẻ đã thay đổi. Đây là lý do tại sao ngày nay người cao tuổi, bao gồm cả người cao tuổi ở thành thị, sẵn sàng xa con cái của mình và sống cuộc sống của riêng với những người cùng hoàn cảnh, cùng mong muốn", Yuan nói.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lua-chon-moi-cho-cuoc-song-cua-nguoi-gia-khi-ve-huu-o-trung-quoc-di-tu-nghi-ngo-toi-nhan-duoc-su-ung-ho-cua-ca-cha-me-lan-con-cai-420215272955402.htm